MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hình thức huy động vốn mới xuất hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn khó khăn kéo dài. Ảnh: Lục Giang

Muôn kiểu huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản

Lục Giang LDO | 17/06/2024 06:40

Áp lực nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phải tự xoay xở và tìm đến những kênh huy động vốn mới, chưa từng xuất hiện trên thị trường.

Doanh nghiệp địa ốc gặp khó trong huy động vốn

Thời gian qua, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu bất động sản trầm lắng kéo dài.

Việc vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng gặp khó trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là hoạt động kinh doanh bất động sản, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Trong khi đó, dòng vốn huy động từ người mua trả tiền trước không còn thuận lợi do các yếu tố như lãi suất tăng, pháp lý dự án tắc nghẽn,… Vì vậy, câu chuyện nguồn vốn trở thành nỗi lo của nhiều doanh nghiệp, các chủ đầu tư đối diện với nhiều áp lực trong việc huy động vốn để phát triển dự án.

Bối cảnh khó khăn khiến các doanh nghiệp địa ốc phải tự tìm cách để tạo ra dòng tiền và tìm đến những kênh huy động vốn mới, chưa từng được áp dụng trên thị trường. Điển hình gần đây, hoạt động huy động vốn bất động sản nhưng theo hình thức chia nhỏ bằng cổ phần, chỉ khoảng 10.000 đồng đã xuất hiện trên thị trường.

Hình thức này được CTCP Chứng khoán VPS hợp tác với Công ty cổ phần Fnest triển khai. ứng dụng VPS SmartOne của Chứng khoán VPS cho phép nhà đầu tư tham gia đầu tư bất động sản thông qua hình thức chia nhỏ. Nhà đầu tư có thể mua bán bất động sản như cổ phiếu với số vốn chỉ từ 10.000 đồng. Danh mục bất động sản trên Fnest mở bán khá đa dạng, từ biệt thự, shophouse, đến căn hộ chung cư...

Trên thị trường đầu tư, hoạt động chia nhỏ bất động sản đã từng được một số doanh nghiệp áp dụng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hình thức chia nhỏ bằng cổ phần, áp dụng với số vốn chỉ từ 10.000 đồng lần đầu xuất hiện trên thị trường.

Đủ chiêu huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc

Trước đó, một số mô hình chia nhỏ, mua chung bất động sản đã từng được nhiều ông lớn triển khai. Đơn cử như mô hình mua chung bất động sản của Sunshine Homes. Theo đó, với số vốn từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án bất động sản hạng sang đến siêu sang của Sunshine Homes. Lợi suất đầu tư cam kết 11%/năm.

Moonka cũng triển khai hoạt động mua chung trên nền tảng công nghệ mã hóa. Mỗi bất động sản có thể được chia thành 1.000 phần, công ty này đã gọi vốn thành công cho 3 dự án bất động sản tại Cần Giờ (TPHCM) và Bảo Lộc và Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng thành lập Công ty VMI JSC với mục tiêu hỗ trợ các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội đầu tư bất động sản. VMI JSC sẽ đầu tư một số lượng nhất định, sau đó chia thành 50 phần và các khách hàng của VMI có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Bên cạnh đó, đối với những doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên sàn chứng khoán, phương thức huy động vốn được nhiều doanh nghiệp niêm yết đã và đang triển khai là phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Điển hình CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) vừa kết thúc đợt phát hành hơn 134,3 triệu cổ phiếu, từ đó huy động số vốn 1.200 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (Mã: NRC) cũng dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, huy động 1.000 tỉ đồng để trả nợ và M&A dự án bất động sản.

Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã và đang lên kế hoạch huy động vốn qua kênh này như: CTCP Đầu tư Hải Phát (Mã: HPX), CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (Mã: DIG) CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (Mã: BCG), CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn