MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh chấp chung cư ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh chụp Khu đô thị Ngoại Giao đoàn. Ảnh: Phan Anh

Muôn kiểu tranh chấp chung cư: Khi khu đô thị đáng sống không còn đáng sống

Khương Duy LDO | 22/02/2023 13:00

Thời gian qua, việc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư chung cư ngày càng tăng. Không chỉ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, tình trạng này còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tranh chấp kéo dài không tìm được lời giải khiến việc ở chung cư trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

>>> Tranh chấp chung cư như “con kiến kiện củ khoai”
>>> Một nghìn lẻ một tranh chấp phổ biến trong quản lý chung cư
>>> Có thể truy tố hình sự nếu chủ đầu tư trây ỳ 2% quỹ bảo trì chung cư

Vốn tưởng được an cư khi mua chung cư ở dự án The Park Home (phường Dịch Vọng - Cầu Giấy - Hà Nội), anh N.V.A cho biết, cuộc sống của anh rất mệt mỏi vì gắn liền với kiện cáo.

Theo anh V.A, thời gian qua quanh dự án tràn lan công trình xây dựng, hàng quán trái phép, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 52 - Handico52 trây ỳ, không tháo dỡ nhà điều hành dự án, không phối hợp xử lý những vướng mắc chung.

"Chúng tôi đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận Cầu Giấy, Đội Quản lý Trật tự Xây dựng Đô thị quận Cầu Giấy, Phòng Quản lý Đô thị quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan, mong muốn làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan khi để xảy ra sai phạm trên địa bàn. Sau một thời gian họ đã có xử lý, tuy nhiên hiện tại đẩy cư dân vào thế khó, sống trong lo lắng sợ hãi.

Khi mua chung cư, chúng tôi được chủ đầu tư giới thiệu có phần sân sinh hoạt chung. Tuy nhiên khi người dân phản ánh những công trình sai phạm lân cận, cùng với sự vào cuộc của báo chí, phường và quận đã tháo dỡ những công trình này, nhưng đồng thời niêm phong luôn phần sân nói trên. Trẻ con không có chỗ chơi, cư dân không thể vào-ra, thậm chí nếu có cháy nổ xe cứu hỏa cũng không thể tiếp cận.

Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền địa phương để xác minh phần đất đó có thuộc dự án không nhưng chưa có phản hồi. Vậy chủ đầu tư đang "treo đầu dê, bán thịt chó", hay chính quyền địa phương đang phớt lờ đến quyền lợi, tính mạng người dân?" - anh V.A nói.

Ngay tại các khu đô thị đáng sống cũng đầy rẫy vấn đề, tranh chấp. Khu đô thị Ngoại Giao đoàn (thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) được kỳ vọng là khu đô thị đáng sống. Thế nhưng đến nay, khu đô thị này nhận hàng loạt phản ánh xoay quanh vấn đề chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, điều chỉnh quy hoạch, không hoàn thiện cơ sở hạ tầng... Chán nản trước cảnh tranh chấp mòn mỏi, có những cư dân quyết định chuyển nhà.

"Khu đô thị nhiều lần được điều chỉnh quy hoạch. Gần đây nhất là hồi tháng 5.2017, Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết. Nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị so với thiết kế dự kiến ban đầu. Có ô đất điều chỉnh mật độ xây dựng từ 20,5% lên 40%. Có những khu đầu mối kỹ thuật biến thành bệnh viện ung bướu. Có những người về đây ở 4-5 năm nay vẫn chưa có sổ hồng.

Thủ tục giữa chủ đầu tư cấp một và cấp hai có vấn đề nên giờ người dân "chịu trận". Hạ tầng thiếu thốn, trường học nằm trên giấy, bãi đỗ xe cũng phải đấu tranh mòn mỏi. Cầu thang cũng không làm đúng thiết kế. Quá mệt khi sống tại nơi được coi là đáng sống nên tôi đã bán nhà và chuyển đi nơi khác sống" - chị N.K.D (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) nói.

Giới luật sư nhận định, tranh chấp chung cư ngày càng diễn biến phức tạp, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, chủ đầu tư, cũng như sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nói chung và thị trường chung cư nói riêng.

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - chuyện tranh chấp và giải quyết tranh chấp tại chung cư là nhược điểm lớn trong thị trường nhà chung cư nước ta. Nhiều khi do tranh chấp mà làm cho nhiều người ngại quyết định sống tại chung cư, mặc dù biết rằng, ở chung cư có nhiều lợi ích hơn. Thị trường càng phát triển thì tính chuyên nghiệp càng cao và rủi ro tranh chấp ngày càng thấp dần.

Mặc dù vậy, hiện nay chúng ra vẫn phải đối mặt với những tranh chấp đang tồn tại từ trước mà chưa giải quyết xong. Giải quyết các tranh chấp tại chung cư luôn gắn với hợp đồng mua - bán căn hộ chung cư hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý chung cư. Các hợp đồng này là các hợp đồng dân sự mang tính thương mại. Việc giải quyết tranh chấp dù do tòa án hay trọng tài cũng đều phải căn cứ vào các cam kết hợp đồng và các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu hợp đồng không đủ chi tiết thì cần căn cứ vào khả năng tiếp cận hoà giải trên cơ sở thông lệ về bảo vệ quyền và lợi ích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn