MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà trọ, chung cư mini trong ngõ 44 (phố Trần Thái Tông, Hà Nội) mọc lên dày đặc. Ảnh: Thu Giang

Muốn mở thêm lối thoát cho chung cư mini mà thợ bó tay

Thu Giang LDO | 09/10/2023 18:41

Do nằm trong các con ngõ nhỏ hẹp, mật độ xây dựng dày đặc, nhiều công trình nhà trọ, chung cư mini tại TP Hà Nội đang gặp khó khăn khi tìm cách mở lối thoát nạn thứ 2.

Trao đổi với PV Lao Động ngày 9.10, chị Nguyễn Thị Hòa (chủ nhà trọ 7 tầng ở quận Cầu Giấy) chia sẻ, ngay sau vụ cháy trên phố Khương Hạ, chị Hòa cũng đã tức tốc thuê thợ về tận nhà để thiết kế, tính phương án lắp đặt thang inox cố định nhưng đã "vỡ kế hoạch".

Theo chị Hòa, dù sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để lắp đặt thang thoát hiểm nhưng vì nhà cửa trong ngõ hẹp mọc lên dày đặc, không còn khoảng trống nên thợ thiết kế cũng đành bó tay.

"Căn nhà tôi mua lại để kinh doanh nhà trọ mấy năm nay nằm trong ngõ hẹp, không có ban công. Dù rất lo lắng, muốn lắp đặt, mở lối thoát hiểm thoát hiểm thứ 2 nhưng theo tôi, không phải nhà ai trong ngõ này cũng làm được" - chị Hòa nói.

Nhiều tòa chung cư mini, nhà trọ trong ngõ hẹp Hà Nội mọc lên dày đặc, không còn khoảng trống. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, anh Trần Văn Huy (chủ chung cư mini ở ngõ 44, Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy) chia sẻ, gia đình anh cũng đang đau đầu vì không biết phải lắp đặt, thiết kế thang thoát hiểm thế nào cho phù hợp khi xung quanh tòa nhà đang bị "bao vây" bởi rừng nhà cao tầng, nhà dân, nhà riêng lẻ, nếu như lắp thang đua ra ngoài diện tích đất của nhà mình thì sợ bị phạt, bị kiện.

Thực hiện công điện của UBND TP Hà Nội và kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát về công tác đảm bảo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại các chung cư mini, nhà trọ cho thuê, bà Phan Thị Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) - cho biết, trên địa bàn phường hiện có 4 chung cư mini và khoảng 120 căn hộ cho thuê cao tầng.

Theo bà Yến, trong quá trình kiểm tra, đoàn cũng đã đánh giá lại thực trạng từng căn hộ, sau đó cử cán bộ phụ trách PCCC hướng dẫn người dân, chủ đầu tư, chủ nhà cho thuê lắp đặt các trang thiết bị PCCC còn thiếu.

Nếu chủ đầu tư, chủ nhà cố tình không chấp hành, đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản, thậm chí đình chỉ hoạt động để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở, công trình trên địa bàn là việc mở lối thoát nạn thứ 2 và lắp cửa ngăn cháy.

Tính toán của UBND phường Nghĩa Đô, có tới 90% cơ sở trên địa bàn không thể khắc phục được hoặc không có điều kiện để làm lối thoát nạn thứ 2. Đây là bất cập lớn nhất và cũng là mối lo chung lực lượng chức năng quản lý và cả những người đang sinh sống, thuê trọ.

Nằm trong ngõ hẹp, một số tòa chung cư mini ở Hà Nội buộc phải lắp thang thoát hiểm đua chen ra bên ngoài phần diện tích đất sở hữu, khiến nhiều hộ dân xung quanh bức xúc. Ảnh: Thu Giang

Trao đổi với Lao Động trước đó, Đại úy Nguyễn Trung Thủy - Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Hà Nội) - thông tin, loại hình nhà chung cư mini, nhà trọ không thuộc diện quản lý của đơn vị phòng cháy chữa cháy theo phụ lục 1 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đại úy Nguyễn Trung Thủy phân tích, do chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn riêng về xây dựng, lắp đặt lối thoát hiểm đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ nên cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn người dân làm thang thoát hiểm thứ 2 và không có quyền ép buộc người dân làm đúng quy chuẩn vì họ không thuộc đối tượng phải điều chỉnh.

Hiện cơ quan chức năng mới chỉ đang khuyến khích người dân cải tạo, lắp đặt lối thoát hiểm thứ 2 để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản khi sự cố xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn