MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Cò" đất dẫn mối tại một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Cao Nguyên

Ngăn chặn sốt đất ảo: Dùng công cụ thuế bất động sản để chặn đứng "sốt" đất

Cao Nguyên LDO | 03/04/2021 11:00

Những năm gần đây, giá đất tại các thành phố lớn liên tục tăng nóng. Đặc biệt, thời gian qua, giá đất tăng một cách chóng mặt, nhiều người phải thốt lên rằng, “sốt điên đảo”. GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - dự báo, giá bất động sản Việt Nam trong 3-5 năm tới sẽ tăng mạnh nếu không cải thiện được vấn đề nguồn cung. Cũng theo vị này, thuế bất động sản sẽ chặn “sốt đất”, đầu cơ rồi để hoang.

Nhiệm vụ khẩn

Theo đánh giá của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá đất đầu năm 2021 tại các địa phương tăng 15-20% so với 5 năm trước.

Bộ Xây dựng cho rằng, có nhiều nguyên nhân tăng giá đất. Điển hình như do UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành bảng giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2024. Bên cạnh đó, các địa phương đã quyết định ban hành hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trong năm 2021 để thực hiện.

Ngoài ra, tình trạng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị gây nhiễu loạn thông tin để "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, giá cả thị trường nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí đầu vào dự án bất động sản tăng cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản phẩm bất động sản tăng theo.

Trong buổi tọa đàm về bất động sản mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, mặc dù COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, "sốt" đất vẫn nóng.

Chính việc đất tăng giá đã gây không ít lo ngại cho các người dân, doanh nghiệp và thậm chí cho cả cơ quan quản lý nhà nước. Các chuyên gia nhận định, nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thu hút đầu tư của cả nước.

Trước những cảnh báo như vậy, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại các địa phương.

Bộ này đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính.

Đồng thời theo dõi nắm bắt thông tin diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước liên quan đến vấn đề “sốt đất” này. Bộ này đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Phải cải thiện nguồn cung

Dù các bộ ngành, các tỉnh thành đã ra nhiều văn bản để kìm hãm tình trạng “sốt đất” nhưng để chặn việc “sốt đất” ảo và tránh ảnh hưởng đến lâu dài thì cần phải có nhiều giải pháp phù hợp.

Chia sẻ với PV về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - dự báo, giá bất động sản Việt Nam trong 3-5 năm tới sẽ tăng mạnh nếu không cải thiện được vấn đề nguồn cung.

Theo ông Võ, nguồn cung các dự án hiện nay thấp. Nguy cơ mà thị trường phải đối mặt là tình trạng bong bóng, sốt giá. Khi giá tăng thì các chủ đầu tư giữ hàng đã đành, nhưng thêm vào đó các nhà đầu cơ lại ráo riết tung tiền mua bất động sản số lượng lớn, chính điều này có thể tạo ra sốt giá. Vậy nhà nước nên có chính sách thế nào để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng này? Ông Võ đặt ra câu hỏi và nói rằng cách tốt nhất là chúng ta phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Mặc dù năm 2020 đã có những điều chỉnh đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Nếu năm nay tăng phê duyệt dự án, tăng cung bất động sản lên nhiều hơn thì mới giải quyết được vấn đề của thị trường.

“Theo quan sát của tôi, bây giờ thị trường chưa có biểu hiện bong bóng song cần nhanh tay, mạnh tay có những giải pháp để thúc đẩy nguồn cung, giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Không chỉ riêng Luật Đất đai, nhà ở… mà cần phải xốc lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. Với sự chung tay của toàn bộ hệ thống, hệ thống pháp luật được thiết kế hợp lý sẽ ngăn được những tiêu cực thị trường. Nếu không giải được bài toán nguồn cung, 3-5 năm nữa giá bất động sản tăng rất mạnh" - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Võ, tại Việt Nam, thu thuế bất động sản hiện nay chỉ với thuế suất cơ bản 0,03% giá đất của nhà nước, tức là chỉ khoảng 0,01% giá đất thị trường. Tổng thu từ thuế sử dụng đất chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách từ đất, tức là chỉ chiếm 0,6% tổng thu ngân sách địa phương. So với các nước công nghiệp, quả là một trời một vực.

Chia sẻ với phóng viên, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nêu khuyến nghị, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng “sốt đất”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn