MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng đang nặng đầu với việc nợ xấu bất động sản. Ảnh: Gia Miêu

Ngân hàng nặng đầu chuyện cơ cấu nợ doanh nghiệp bất động sản không dễ

Gia Miêu LDO | 23/04/2023 10:15

Theo dự thảo thông tư mới, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 50% và trích lập đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo thông tư mới này là các khoản nợ được cơ cấu là các khoản dư nợ gốc và lãi trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của TCTD. Theo đó, để được cơ cấu nợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như có nợ phát sinh trước ngày thông tư có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2023. Đồng thời, khoản nợ này được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Muốn cơ cấu lại khoản nợ, các tổ chức tín dụng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 50% và trích lập đủ 100%. Ảnh minh họa. Ảnh: Gia Miêu 

Thời gian cơ cấu nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại dự thảo thông tư được thực hiện từ ngày có hiệu lực đến hết 31.12. Các TCTD phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 50% và trích lập đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập tính đến thời điểm 31.12.

Điều này đang đặt ra nhiều câu hỏi trong câu chuyện đề xuất giãn nợ, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản. Hiện nay, áp lực trả nợ ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đến cùng lúc trong khi việc huy động vốn từ các nguồn khác đều gặp khó khăn khiến các doanh nghiệp bất động sản đang canh cánh nỗi lo chuyển nhóm nợ.

Không ít doanh nghiệp bất động sản đang mong muốn được ngân hàng cơ cấu, giãn nợ đối với các khoản vay. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đó là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu quan ngại, nếu doanh nghiệp không trả được các khoản vay đến hạn thì các khoản vay này có nguy cơ trở thành nợ xấu hoặc nhóm nợ xấu hơn, kéo theo doanh nghiệp lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, việc cơ cấu, giãn nợ thế nào để tránh rủi ro cho các ngân hàng là vấn đề cần được quan tâm, xem xét thận trọng. TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc tài chính DGCapital đưa ra quan điểm, giải pháp giãn nợ không nên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp bất động sản, phải chọn lọc và xem xét, quyết định đối với từng trường hợp. Cùng với việc giãn nợ, thị trường bất động sản cần nhiều giải pháp hỗ trợ khác, nhất là về cơ chế. Việc cơ cấu nợ nên triển khai một cách rất thận trọng, chính xác, đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Việc dồn nợ xấu về sau sẽ tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn