MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lí phố cổ chen chúc, chung cư giãn dân bỏ hoang trồng rau

Hải Danh LDO | 24/05/2023 22:06
Trái ngược với cảnh nhiều thế hệ chen chúc sống trong những khu nhà tập thể xập xệ hơn chục mét vuông ở phố cổ, khu nhà giãn dân ở Thượng Thanh (Long Biên - Hà Nội) đến nay vẫn hoang vắng, không có người sinh sống.

Chung cư giãn dân vắng hoe

Theo ghi nhận của PV Lao Động, một số hạng mục công trình tại khu nhà giãn dân phố cổ hiện đang xuống cấp, bên trong được tận dụng để chứa vật liệu xây dựng. Cửa chính của các toà nhà luôn trong tình trạng khoá chặt. Nhiều tấm kính của hệ thống mái che trước sảnh và đường dẫn xuống hầm tòa nhà bị nứt vỡ thành những mảnh vụn, trần kính thủng nhiều chỗ. Lối vào các hầm để xe ngập rác thải và cỏ xanh được che kín bằng tôn.

Trước đó, năm 2012, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất với UBND TP Hà Nội dành 30 ha đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên để thực hiện dự án giãn dân phố cổ giai đoạn 2, với hơn 5.000 hộ. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phối hợp với UBND quận Long Biên và Hoàn Kiếm tổ chức công bố, bàn giao hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch 7 ô đất trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Việt Hưng (tỉ lệ 1/500).

Khu nhà giãn dân phố cổ rộng khoảng 30 ha tọa lạc trên đường Lý Sơn mới, kết nối giao thông với đoạn từ nút giao cầu vượt đường 5 với đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh đến phía Đông Nam chân cầu Đông Trù (Hà Nội). Khu nhà giãn dân gồm 5 tòa nhà (N015A, N015B, N015C, N015D, N015E), với tổng hơn 80 căn hộ. Mỗi tòa nhà cao 8-9 tầng và được trang bị đầy đủ hệ thống thang máy. Mặc dù giao thông thuận tiện nhưng đến nay khu nhà giãn dân hoang vắng gần như không có dân cư chuyển đến ở.

Người dân trong khu vực cho biết, do dự án bỏ hoang nên các hộ gia đình xung quanh đã xin ban quản lí tận dụng khoảng đất trong khuôn viên để trồng rau, tránh cỏ mọc hoang dại. “Khu chung cư giãn dân này đã xây xong được nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ai chuyển đến sinh sống. Có tới 5 toà nhà bỏ hoang vô cùng lãng phí. Thời gian gần đây, có một tốp công nhân chuyển về dựng bạt ngăn cách thành từng ô để sinh hoạt, sống tạm ở khu vực tầng 1” - ông N.V.A (người dân địa phương) nói.

Bảo vệ tòa nhà cho hay: “Người dân đã đến kí tên đặt mua nhà rất nhiều rồi nhưng chưa chuyển đến. Mỗi lần xem nhà là có chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và rất nhiều hộ, nếu không có chủ đầu tư đến thì tôi cũng không dám mở cửa cho ai vào”.

“Thiếu hơi người” nhiều năm, nhiều hạng mục của dự án đã xuống cấp. Ảnh: Tuyết Lan

Chen chúc 3 - 4 thế hệ trong căn nhà nhỏ phố cổ

Trái ngược với cảnh “nhà cao, cửa rộng” nhưng hoang vắng, nhiều khu vực nhà tập thể ở phố cổ đang trong tình trạng 3-4 thế hệ chen chúc trong căn phòng hơn chục m2 đã xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Đình Thái - sống trên phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho rằng, giãn dân là điều tốt nhưng người dân đang làm ăn tốt ở phố cổ khi chuyển ra ngoại thành không có kế sinh nhai. “Chẳng ai muốn sống trong những con ngõ nhỏ chật hẹp, nhà cửa ẩm ướt tối tăm, điều kiện vệ sinh tồi tàn như thế này cả. Thế nhưng người dân phố cổ Hà Nội vẫn một lòng bám trụ lại nơi đây bởi họ có thể dễ dàng có thu nhập. Hiện nay những gia đình mặt tiền ở khu vực này đang làm ăn, buôn bán kinh doanh rất tốt. Mỗi tháng thu nhập cũng lên đến hàng chục triệu. Đang kinh doanh ở nơi sầm uất giờ lại đưa họ ra tận ngoại thành mà không có phương án đảm bảo việc làm, đời sống thì chắc chắn họ sẽ không chịu di dời. Chẳng ai muốn buông bỏ mảnh đất kiếm tiền dễ dàng như phố cổ".

Người này chia sẻ, nếu Nhà nước có phương án đền bù hợp lí, đảm bảo lợi ích và việc làm cho người dân thì việc vận động giãn dân thực hiện sẽ dễ dàng hơn. Mong muốn Nhà nước sớm vào cuộc, giải quyết cốt lõi vấn đề để người dân có một nơi ở khang trang, cuộc sống ổn định là mong muốn của nhiều hộ dân nằm trong diện di dời ở phố cổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn