MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động phân lô, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá phổ biến ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Nhiệt Băng

Nghịch lý hoạt động của các văn phòng đăng ký đất đai

Nhiệt Băng LDO | 18/05/2020 09:00
Dù biết các Văn phòng Đăng ký đất đai “ngâm” hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân nhưng chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng “bó tay” vì… không có thẩm quyền xử lý trách nhiệm! Nghịch lý này xuất phát từ đâu?

Khó khăn trong chỉ đạo, điều hành

Theo Nghị định số 43 (ngày 15.5.2014) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và Thông tư liên tịch 15 (ngày 4.4.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Nhiều địa phương, trong đó có Khánh Hòa, đã thành lập VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa thuộc Sở TNMT. Theo đó, các chi nhánh VPĐKĐĐ cấp huyện đều trực thuộc VPĐKĐĐ tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Nha Trang - cho biết, trong thực tế, đa số việc giải quyết các hồ sơ ở lĩnh vực đất đai tại cấp huyện đều do chi nhánh VPĐKĐĐ tiếp nhận ban đầu, thẩm định trước khi chuyển cho UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận nhưng đơn vị này lại không có thẩm quyền quản lý trực tiếp mà chỉ thực hiện công tác phối hợp giải quyết hồ sơ theo cơ chế liên thông.

“Vì vậy, UBND TP.Nha Trang gặp khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành khi giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, đặc biệt là việc xử lý trách nhiệm do để hồ sơ trễ hẹn hoặc giải quyết đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Chúng tôi kiến nghị chuyển chi nhánh VPĐKĐĐ về trực thuộc thành phố” - ông Tuấn nêu thực trạng.

Theo ông Tuấn, tỉ lệ hồ sơ trễ hạn năm 2019 của thành phố là 5,84%. Trong đó, có nguyên nhân công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời trong quá trình giải quyết hồ sơ liên thông (lĩnh vực đất đai).

Còn tại Phú Yên, cuối năm 2019, Thanh tra tỉnh này chỉ ra số lượng “khủng” hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bị trễ hẹn xảy ra tại 3 chi nhánh VPĐKĐĐ và 5 UBND xã, phường trong 3 năm (2016 - 2018). Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Đông Hòa trễ hẹn nhiều nhưng chỉ có 158 hồ sơ có thư xin lỗi. Chi nhánh VPĐKĐĐ Phú Hòa 605 hồ sơ và chi nhánh VPĐKĐĐ TP.Tuy Hòa trễ hẹn đến 7.896 hồ sơ nhưng cả 2 chi nhánh này đều không cung cấp được số hồ sơ trễ hẹn có thư xin lỗi. Đa số các hồ sơ trễ hẹn là đăng ký biến động đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Phú Hòa và 5 xã còn có nhiều vi phạm như thiếu họp xét nguồn gốc đất; họp xét nguồn gốc đất không chặt chẽ; sai sót trong việc ghi biên bản họp xét nguồn gốc; sai sót trong việc niêm yết công khai hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính khi chưa đủ các loại giấy tờ cần thiết theo quy định.

Vấn đề không riêng của một địa phương

Trên thực tế, nhiều hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển sổ đỏ ra sổ hồng... của người dân sau khi nộp vào chi nhánh VPĐKĐĐ được chuyển về lại các xã, phường để kiểm tra, xác minh nguồn gốc và tranh chấp. Lúc này, bộ phận trực tiếp đo đạc, đối chiếu phục vụ việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu đất đai là địa chính xã, phường lại thực hiện theo “lệnh” của chi nhánh VPĐKĐĐ mà không phải UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (!). 

Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho biết, đây là vấn đề không riêng gì Nha Trang mà nhiều địa phương cũng có ý kiến phản ánh, đề xuất. Đây là vấn đề hết sức thực tế. Việc tổ chức VPĐKĐĐ này dựa trên tinh thần cải cách hành chính, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai và góp phần đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất.

“Mô hình thống nhất VPĐKĐĐ thuộc Sở TNMT sẽ đảm bảo sự thống nhất và chính xác về quản lý đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác triển khai việc sắp xếp này chưa có sự đồng bộ, trong đó mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan gồm các VPĐKĐĐ thuộc Sở TNMT và UBND cấp huyện là chưa rõ ràng, trách nhiệm cũng chưa cụ thể” - ông Tịnh nói. Và ông Tịnh cho hay, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu, ghi nhận và cùng với Bộ TNMT, Bộ Nội vụ bàn bạc, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Còn Bộ TNMT khi trả lời cử tri vừa qua cho rằng, với yêu cầu chuyển dần tổ chức cung cấp dịch công sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, việc giữ mô hình VPĐKĐĐ như hiện nay là phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới, nhằm giảm áp lực cho cơ quan hành chính Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn