MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tái định cư Ngọc Hiệp chậm triển khai. Ảnh: Hữu Long

Ngổn ngang ở dự án tái định cư 162 tỉ đồng ở Nha Trang

Hữu Long LDO | 05/07/2023 17:40

Nha Trang - Dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp được xây dựng nhằm bố trí tái định cư cho khoảng 660 hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trọng điểm. Đến nay dự án vẫn còn nhiều ngổn ngang khi chưa hoàn thiện kỹ thuật và liên tục vấp phải đơn thư khiếu nại.

Dự án chậm tiến độ gây hệ lụy dây chuyền

Năm 2016, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư Ngọc Hiệp (Khu tái định cư Ngọc Hiệp) tại TP Nha Trang với quy mô 13,45ha, vốn 162 tỉ đồng.

Dự án được xây dựng nhằm bố trí tái định cư (660 lô tái định cư) cho các hộ dân bị giải tỏa khi thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang và tạo quỹ đất dự phòng bố trí tái định cư cho các dự án trọng điểm khác.

Cũng nói thêm rằng, Tiểu dự án Nha Trang có tổng vốn đầu tư 72 triệu USD, trong đó 60,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và 11,4 triệu USD nguồn vốn đối ứng.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, Khu tái định cư Ngọc Hiệp dự kiến bố trí cho 250 lô cho người dân bị ảnh hưởng của Tiểu dự án Nha Trang. Từ năm 2016 đến nay, Khu tái định cư Ngọc Hiệp mới hoàn thành 205 lô, không đủ để bố trí cho các trường hợp của Tiểu dự án Nha Trang.

Có thể nói, việc Khu tái định cư Ngọc Hiệp chậm bàn giao các lô tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng tại Tiểu dự án Nha Trang sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án. Ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn từ Ngân hàng Thế giới.

Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Ngọc Hiệp chưa đồng bộ, rất khó giao đất cho người dân. Ảnh: Hữu Long

Đề xuất cắt phần khó giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án

Theo ghi nhận tại khu vực xây dựng Khu tái định cư Ngọc Hiệp đến nay còn ngổn ngang. Khu đất rộng nhưng không cắm bản thông tin dự án, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật còn trống. Chủ đầu tư chỉ xây một đoạn ngắn đường bê tông, hệ thống thoát nước, dựng vài trụ điện và san lập mặt bằng tạm bợ.

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) Phát triển tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đã thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà thầu 8,85ha/13,45ha diện tích mặt bằng (còn lại 4,6ha chưa giải phóng mặt bằng).

Hiện chủ đầu tư đang công tiếp tục thi công hoàn thiện khu vực đã giải phóng mặt bằng để bổ sung 30 lô tái định cư cho các hộ dân. Đến cuối tháng 6.2023, tổng số lô tái định cư có thể cung cấp là 235 lô.

Sở dĩ dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp chậm tiến độ vì người dân không đồng thuận với mức giá đền bù; các thủ tục xét duyệt phương án bồi thường chưa được thông báo công khai, niêm yết rõ ràng. Ngoài ra, phương án đền bù được chủ đầu tư đưa ra không thỏa đáng, không tuân theo chính sách tái định cư của Ngân hàng Thế giới.

Nhiều người dân không đồng thuận với mức giá đền bù do chủ đầu tư đưa ra. Ảnh: Hữu Long

Trước sự hối thúc của Ngân hàng Thế giới, BQLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu điều điều chỉnh dự án theo hướng tách 4,6ha còn lại chưa giải phóng mặt bằng ra khỏi phạm vi dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp.

Trong các buổi làm tiếp xúc với người dân, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đã giao trách nhiệm cho Ban Quản lý Dự án ghi nhận ý kiến của nhân dân rà soát các trường hợp trong vùng ảnh hưởng, khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư mới.

Làm việc với Ngân hàng Thế giới về tiến độ dự án Khu tái định cư Ngọc Hiệp trong tháng 6, ông Trần Hòa Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang đẩy nhanh tháo gỡ các vướng mắc triển khai các dự án trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ tổ chức họp 1 tuần/ lần nghe các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện cũng như vướng mắc để tìm hướng tháo gỡ.

Theo thành viên trong hội đồng bồi thường của tỉnh Khánh Hòa, do Khu tái định cư Ngọc Hiệp không hoàn thành giải phóng mặt bằng và chậm thi công hạ tầng nên không có đất bố trí tái định cư cho các hội bị ảnh hưởng bởi dự án Tiểu dự án Nha Trang.

Cũng vì không có đất tái định cư nên hội đồng bồi thường của dự án không thể xây dựng tiêu chí tái định cư; không niêm yết được tiêu chí và không cho dân bốc thăm lô.

Ngoài ra, hiện chính sách bồi thường của Ngân hàng Thế giới và chính sách bồi thường của tỉnh Khánh Hòa hiện không khớp nên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo rà soát lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn