MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngưng thi hành một số các điều khoản của Thông tư 06 tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản có cơ hội vay vốn. Ảnh: Phan Anh

Ngưng thi hành một số quy định Thông tư 06 giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn

Tuyết Lan LDO | 26/08/2023 08:38

Ngưng thi hành một số nội dung của Thông tư 06 đã kịp thời hỗ trợ ngành bất động sản trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về trung hạn và dài hạn cần xem xét để có quy định, lộ trình phù hợp tránh rủi ro về tín dụng.

Bước “đệm” để doanh nghiệp bất động sản có cơ hội vay vốn

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1.9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính - khẳng định, Ngân hàng Nhà nước ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung Thông tư 06 là đúng đắn. Tuy nhiên, cần có những biện pháp thay thế để đảm bảo hoạt động thị trường bất động sản không bị xáo trộn và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.

"Ngưng thi hành Khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn, góp vốn thực hiện các dự án. Các ngân hàng thương mại cần phải có nhận xét thận trọng để đảm bảo an toàn về nguồn vốn cũng như những đáp ứng của doanh nghiệp bất động sản về mặt pháp lý đối với nhà nước.

Các ngân hàng thương mại sẽ tự quyết lợi ích, rủi ro để xác định việc có hay không cho vay. Khi có những vấn đề nghiêm trọng về mặt rủi ro của các doanh nghiệp bất động sản thì ngân hàng sẽ ngưng không cho vay vốn.

Tuy nhiên, ngưng các điều khoản này của Thông tư 06 chỉ là một bước “đệm” tạo điều kiện để doanh nghiệp bất động sản có cơ hội vay vốn. Vì các ngân hàng thương mại sẽ xem xét các yếu tố rủi ro, nếu doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện sẽ không được vay. Yếu tố quyết định vẫn là chính doanh nghiệp bất động sản" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Theo ông Thịnh, vấn đề quan trọng nhất các doanh nghiệp cần phải hành động ngay để “tự cứu” lấy mình là tái cấu trúc giúp tăng trưởng và phát triển. Doanh nghiệp bất động sản nên nghĩ đến việc phát hành trái phiếu. Điều này sẽ giúp đáp ứng, bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư dài hạn.

Cần có tầm nhìn trung hạn và dài hạn

Đồng tình với quan điểm trên, TS Châu Đình Linh - chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của nước ta hiện nay, bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra giải pháp tình thế. Ngưng một số quy định này sẽ giúp khơi thông dòng vốn, tạo ra thanh khoản trên thị trường tiền tệ gắn liền với nhu cầu vốn của doanh nghiệp bất động sản.

"Ngưng một số điều khoản trong Thông tư 06 trong bối cảnh hiện nay là một quyết định khôn ngoan. Tuy nhiên, về lâu dài có thể mang đến rủi ro về thanh khoản, nợ xấu. Thực tế, bản chất của Thông tư 06 có tác động tích cực cho nền kinh tế gắn liền với hệ thống ngân hàng. Kiểm soát và tránh rủi ro khi cho các doanh nghiệp vay.

Về trung và dài hạn, bắt buộc phải sửa đổi Thông tư 06 để dòng vốn chảy vào tất cả các ngành nghề tạo sự cân đối và công bằng. Ngoài ra, kiểm soát dòng vốn không chảy vào các dự án bất động sản rủi ro cao, chưa rõ ràng về pháp lý" - TS Châu Đình Linh khẳng định.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, quyết định ngưng thi hành Khoản 8, 9, 10 của Điều 8 theo Thông tư 06 là tin mừng đối với nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi.

Ông Lê Hoàng Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát để xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định “bất cập” tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN mà các doanh nghiệp, Hiệp hội và chuyên gia đã kiến nghị.

Nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã tạo ra một số quy định cho vay "thắt chặt" hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, việc tiếp cận nguồn vốn trở nên khó khăn.

Trong đó, hai nội dung bất cập nổi bật trong Thông tư 06 được chỉ ra là tăng thêm các trường hợp không được cho vay vốn và chưa rõ ràng về điều kiện vay. Điều này sẽ gây ách tắc, ảnh hưởng đến nguồn cung và khả năng mua nhà của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn