MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các quy định về điều kiện tách thửa vẫn còn làm khó cho người dân. Ảnh: Bảo Chương

Người dân gặp khó với những quy định tách thửa mới

Bảo Chương LDO | 10/01/2024 09:44

Việc tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp tách thửa đất đã ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất chính đáng của người dân. Điều này khiến việc tách thửa đất của người dân trên toàn địa bàn TPHCM gần như bị tạm dừng trong quá trình chờ đợi một dự thảo quyết định mới về vấn đề này được thông qua.

Quyết định 60/2017/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, quy định diện tích tối thiểu tách thửa trên địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 (Nghị định 148) có hiệu lực thi hành từ ngày 8.2.2021, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM nhận thấy, quy định tách thửa có hình thành đường giao thông của Quyết định 60 không còn phù hợp với nghị định này, do đó đã có văn bản hướng dẫn nội bộ, đề nghị tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp tách thửa đất trong thời gian chờ điều chỉnh Quyết định 60 kể từ tháng 4.2021.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TPHCM, dự thảo quyết định thay thế cho Quyết định 60 đã được các cơ quan góp ý, chỉnh sửa nhiều lần trong 3 năm qua từ 2021 đến nay. Về tiến độ thực hiện, Sở TNMT cho biết, hiện nay đơn vị đang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo quy định về điều kiện tách thửa và hợp thửa, trước khi trình UBND TPHCM xem xét, quyết định.

Điều mà dư luận quan tâm nhiều nhất hiện nay đó chính là với dự thảo quyết định thay thế liệu các điều kiện tách thửa đất ở có được “cởi trói” hơn Quyết định 60 hay không.

Theo đó, với dự thảo quyết định thay thế, về diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở dự thảo cũng kế thừa quyết định 60, chia địa bàn thành phố thành ba khu vực tương ứng với ba mức diện tích tối thiểu tách thửa khác nhau.

Để tách thửa đất ở, theo dự thảo, phải căn cứ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc quy hoạch thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Trong khi trước đây, theo Quyết định 60 thì chỉ cần căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 (là quy hoạch không gian, quy hoạch tổng mặt bằng). Dự thảo này cũng yêu cầu thửa đất ở trước và sau khi tách đều phải tiếp giáp với đường giao thông.

Với quy định này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất thì không khác gì lại đẩy thêm phần khó cho người dân.

Ông Nguyễn Ninh - Giám đốc Công ty Đầu tư Xây dựng và Thiết kế Kiến Ninh lý giải cái khó đáp ứng ở đây, đó là việc người dân tách thửa cho một miếng đất chưa đến 1.000m2 nhưng lại phải đi lập quy hoạch chi tiết 1/500 là không khả thi.

Cũng cần phải nói thêm theo quy định, việc lập các đồ án quy hoạch là trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Chỉ có các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư mới phải lập quy hoạch 1/500, còn hộ gia đình và cá nhân không có thẩm quyền và khả năng để thực hiện việc này. Ở đây, điều kiện tách thửa đất ở theo Quyết định 60 chỉ cần căn cứ quy hoạch tỉ lệ 1/2.000 phù hợp hơn.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã - Văn phòng luật DBS, hiện nay có rất nhiều hộ dân cần tách thửa để cho con cái, hoặc bán một phần để trang trải cuộc sống, nhưng mọi việc vẫn khó thực hiện vì vướng Quyết định 60. Trong khi đó, việc dự thảo áp quy hoạch chi tiết 1/500 làm căn cứ tách thửa đất ở là khó khả thi cho người dân.

"Lãnh đạo thành phố cần phải sớm tháo gỡ được nút thắt này nếu không tình trạng người dân vì quyền lợi của mình sẵn sàng tự ý tách thửa, chuyển nhượng giấy viết tay để giải quyết nhu cầu và điều này lại gây ra nhiều hệ quả cho công tác quản lý đất đai" - Luật sư Thanh Nhã cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn