MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thôn Hạ (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) băn khoăn với phương án đền bù Vành đai 4. Ảnh: Khánh An

Người dân lo lắng vì phương án đền bù Vành đai 4 quá rẻ

KHÁNH AN LDO | 08/04/2024 10:08

Trao đổi với PV Báo Lao Động, người dân cho rằng, với mức đền bù hỗ trợ nhà và đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 (TP Hà Nội) như hiện tại, họ sẽ không đủ để mua một suất tái định cư cho cả gia đình, cũng không biết xoay sở cuộc sống ra sao.

Mảnh đất 700m2 được đền bù 1,1 tỉ đồng

Bà Phạm Thị Đạo (sinh năm 1962, thôn Hạ, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cho biết, khi nhận được thông tin về dự án Đường vành đai 4, bà đã rất đồng thuận bàn giao mặt bằng, hoàn toàn nhất trí với chủ trương thực hiện xây dựng tuyến đường này để phát triển kinh tế, thuận lợi cho giao thông đi lại kết nối vùng.

Thế nhưng, theo thông báo dự thảo phương án bồi thường, gia đình bà được bồi thường theo giá đất vườn - hơn 1 triệu đồng/m2, không có suất tái định cư. Với mức đền bù hiện tại là 1,1 tỉ đồng cho mảnh đất 700m2, gia đình bà Đạo hoang mang không biết thời gian tới sẽ sinh sống tại đâu.

Bà Đạo cho hay, mảnh đất 700m2 là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Đây hiện là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình (gồm gia đình bà, gia đình con trai cả, gia đình con trai thứ). Năm 2017, gia đình bà được UBND huyện Thanh Oai cấp sổ đất vườn (mục đích sử dụng trên giấy tờ pháp lý là đất trồng cây lâu năm).

Theo bà Đạo, trên thực tế, mức đền bù với đất trồng cây lâu năm là hơn 1 triệu đồng/m2 cũng không sát với thực tế bởi giá đất hiện tại đối với thửa đất khác cùng vị trí tương đồng, cùng mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm là hơn 20 triệu đồng/m2. Như vậy, mảnh đất trồng cây lâu năm 700m2 sẽ có giá khoảng 14 tỉ đồng. Thêm vào đó, giá tại khu tái định cư cũng ở mức 52-61 triệu đồng/m2. Tương tự, ông Nguyễn Văn Bằng (52 tuổi, thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, Mê Linh) cho biết, gia đình ông sinh sống trên mảnh đất rộng 226m2 (72m2 diện tích đất ở, 152m2 là đất vườn) vốn là đất ông cha để lại từ nhiều đời nay. Theo phương án đền bù, gia đình ông Bằng được trả khoảng 18 triệu đồng/m2 đất ở, còn giá đất vườn là 1 triệu đồng/m2.

“Với phương án đền bù này, gia đình tôi vẫn phải bù thêm tiền để mua một suất tái định cư, chưa tính đến việc phải bỏ ra cả trăm triệu, thậm chí tiền tỉ để xây lại nhà mới” - ông Bằng nói.

Tháo gỡ vướng mắc của người dân

Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Anh Phương - Chủ tịch UBND xã Cự Khê - cho biết, xã đang tổ chức đối thoại với người dân, tìm hướng đề xuất với các cấp để làm tháo gỡ vướng mắc.

“Chúng tôi đang thực hiện để làm sao quyền lợi của người dân được đảm bảo, đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ giải quyết theo đúng trình tự. Những gì đúng thẩm quyền của xã, đúng thẩm quyền của cấp trên, chúng tôi sẽ giải quyết để đảm bảo đúng quyền lợi của người dân” - ông Phương nói.

Trong khi đó, để tháo gỡ vướng mắc của người dân, UBND huyện Mê Linh hiện đang kiến nghị UBND TP Hà Nội xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân. Theo đó, UBND huyện Mê Linh kiến nghị thành phố cho phép huyện xem xét tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất còn lại sau thu hồi bị chéo méo, xét giao 1 suất đất tái định cư diện tích tối thiểu 80m2. Đồng thời, cho phép huyện Mê Linh xem xét, công nhận lại hạn mức đất ở đối với các thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chỉ dự án này). Huyện Mê Linh cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép thực hiện cơ chế đặc thù (thửa đất vườn, ao độc lập), tính chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao thành đất ở với diện tích 1 lần hạn mức giao đất ở tối đa 180m2 và khấu trừ tiền chuyển mục đích tại phương án bồi thường và xét giao 1 suất tái định cư tối thiểu diện tích 80m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn