MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tổ 36, 37 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã có thể sửa nhà sau 20 năm nằm trong dự án treo. Ảnh: Nguyễn Linh

Người dân ở dự án treo 20 năm đã có thể sửa nhà

Nguyễn Linh LDO | 25/07/2023 06:36

Sau gần 1 năm bỏ quy hoạch treo, các hộ dân ở tổ 36, 37 phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã có thể sửa chữa nhà cửa, yên tâm sinh sống.

Dự án treo 20 năm

Các hộ dân sinh sống ở tổ 36, 37 phường Hòa Khánh nằm trong Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu. Đây là dự án đã treo gần 20 năm. Đó cũng là từng ấy thời gian người dân nơi đây bị hạn chế về quyền và lợi ích, họ không được xây mới, sửa chữa mái, nâng nền nhà… vì vướng quy hoạch treo.

Dự án di dời ga Đà Nẵng từ quận Thanh Khê lên quận Liên Chiểu được triển khai từ năm 2004, chia thành 2 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 kinh phí dự kiến 10.236 tỉ đồng và tiểu dự án 2 khoảng 2.400 tỉ đồng, nhằm giải quyết nút thắt và áp lực về giao thông, bởi ga đường sắt Đà Nẵng nằm giữa lòng đô thị.

Tuy nhiên, sau hơn 18 năm, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện do thiếu đồng bộ trong phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia, ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông, đời sống người dân.

Vì vậy tháng 11.2022, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định bãi bỏ quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu.

Sau khi UBND TP Đà Nẵng công bố bãi bỏ các Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), người dân có thể làm sổ đỏ, xin cấp giấy phép xây dựng để sửa chữa cải tạo theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Vân, tổ 36 phường Hòa Khánh Nam hiện đang sửa chữa căn phòng nhỏ phía sau nhà. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết, sau khi Dự án Ga đường sắt Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu được hủy bỏ đến nay đã được hơn 8 tháng, người dân ở đây đã được sửa chữa, xây gác lửng, nâng cao nền nhà để yên tâm sinh sống trong mùa mưa lũ sắp tới.

“Chúng tôi nghe nói sắp tới hệ thống cống thoát nước ở khu vực này cũng được đầu tư xây dựng nên người dân ở đây vui mừng lắm” - bà Nguyễn Thị Vân nói.

Ưu tiên đảm bảo cảnh quan và xử lý môi trường

Khi chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa mưa bão, người dân ở các khu vực tổ 36, 37 phường Hòa Khánh Nam cũng bắt đầu chằng chống nhà cửa, nâng gác mái nhưng lại không thể xây mới, gia đình khó khăn cũng chưa thể bán đất. Cho đến tận bây giờ, những người dân nằm trong khu vực này vẫn không khỏi ám ảnh cảnh hoang tàn của cả một xóm nhỏ trong mùa mưa lũ năm ngoái.

Tại diễn đàn kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng giữa năm 2023 vừa qua, ông Lê Văn Dũng - Tổ đại biểu quận Hải Châu - đã nêu thực tế về đời sống người dân ở các dự án treo, chậm triển khai như Dự án Ga đường sắt tại quận Liên Chiểu sau gần 20 năm quy hoạch để treo, hễ mưa xuống thì nhà dân bị ngập. Đợt mưa ngập lịch sử cuối năm 2022, đây là khu vực ngập nặng, thiệt hại nặng nhất.

Đồng thời, ông Lê Văn Dũng cũng đặt câu hỏi “Dự án Ga đường sắt tại quận Liên Chiểu có gần 2.000 hộ dân với 5.000 nhân khẩu cũng đã chịu hạn chế quyền và lợi ích của mình trong gần 20 năm.

Vì vậy khi Sở Xây dựng giao cho địa phương để tái thiết đô thị như vậy thì người dân còn phải chờ bao nhiêu năm nữa?”.
Về vấn đề này, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng - cho biết: “Đây là dự án treo lâu, hơn 19 năm, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Sở Xây dựng sẽ cùng với quận Liên Chiểu sớm nghiên cứu tái thiết khu vực này”.

Theo ông Phùng Phú Phong, đây là khu vực ưu tiên đảm bảo cảnh quan và xử lý về môi trường. Hàng năm, UBND TP Đà Nẵng cũng phải di tu, bảo dưỡng về các hạ tầng cơ sở cấp điện, cấp nước ở khu vực này.

Sở Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các cấp ban ngành để có kế hoạch lâu dài để làm sao phải xử lý triệt để, bền vững nhằm vừa đảm bảo cảnh quan, vừa khớp nối được với các hạ tầng khác ở khu vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn