MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu như không có dự án nhà ở bình dân nào xuất hiện tại TP.HCM trong quý I. Ảnh: H.Lê

Người dân TP.HCM khó mua căn hộ bình dân

THÔNG CHÍ LDO | 16/04/2020 19:10

Báo cáo quý I của DKRA cho thấy, TPHCM tiếp tục trải qua một quý khan hiếm căn hộ bình dân, giá rẻ. Giá căn hộ tiếp tục tăng trong quý I, thậm chí phân khúc trung bình tăng 15 - 30%.

Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung nhà bình dân, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM- kỳ vọng, gói hỗ trợ nhà ở xã hội 3.000 tỉ đồng sẽ thúc đẩy tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp đẩy giá nhà xuống phù hợp với người thu nhập thấp tại đô thị.

Căn hộ bình dân vắng bóng trên thị trường

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý I của DKRA cho thấy, căn hộ hạng C (bình dân, giá rẻ, dưới 25 triệu đồng/m2) tiếp tục rơi vào tình trạng khan hiếm. Đây không phải quý đầu tiên căn hộ hạng C vắng bóng trên thị trường mà đã diễn ra từ nửa cuối 2018.

Ở phạm vi rộng hơn, không chỉ với căn hộ hạng C, toàn thị trường cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm, tức là không có hàng để mua. Nguồn cung căn hộ trong quý này đã thấp nhất trong 5 năm (2015 - 2020). Cả quý chỉ có hơn 1.500 căn hộ được bán ra, giảm 47% cùng kỳ trong khi tỷ lệ tiêu thụ vẫn ở mức khá, đạt 74%.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Công ty DKRA Việt Nam, cho rằng  với tình trạng khan hiếm nguồn cung căn hộ hạng C và mặt bằng giá căn hộ đã lên một mức cao mới thì khả năng sở hữu nhà ở của những người có thu nhập trung bình hoặc khiêm tốn tại TP.HCM chắc chắn ngày càng khó hơn.

Ông Hoàng cũng đưa ra dự báo, tình hình thị trường căn hộ trong quý II sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức hơn cả về nguồn cung và sức tiêu thụ. Nguồn cung mới cần có thời gian để chuẩn bị cho dù các hoạt động đều trở lại bình thường (trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt). Đồng thời, sức tiêu thụ cũng cần thêm thời gian để tích lũy, đặc biệt với những người chịu ảnh hưởng về thu nhập do dịch bệnh từ sau Tết đến nay.

Trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung và lượng đặt chỗ vẫn tốt, mức giá lại được đẩy lên cao, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, cũng từng chỉ ra các chủ đầu tư phân khúc trung cấp có dự án mở bán trong quý đã quyết định tăng giá, nhiều dự án có mức giá cao hơn mặt bằng khu vực từ 15% đến 30%.

"Dự báo nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trước tháng 6, căn hộ trung cấp, bình dân vẫn tiếp tục tăng khoảng 1 - 3% theo năm", bà Dung nói.

Với gói hỗ trợ nhà ở xã hội 3.000 tỉ đồng, nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng, phân khúc nhà bình dân tại TP.HCM sẽ sôi động trong thời gian tới. Ảnh: H.LÊ 

Kỳ vọng gói hỗ trợ

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Với việc sắp triển khai gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu đánh giá, gói tín dụng này sẽ cho cả chủ đầu tư cũng như cả người dân vay để xây dựng nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở xã hội nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ.

“Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Như tại TPHCM, giá nhà ở xã hội đa số là khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi hiện nay, giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2.

Khi giải nhu cầu thật, người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn nhu cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh” - ông Châu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn