MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh doanh khó khăn, khách sạn bán ngày càng nhiều nhưng cũng khó có khách mua. Ảnh: Bảo Chương

Người kinh doanh khách sạn vẫn chưa thể "dễ thở"

Gia Miêu LDO | 24/12/2021 16:25

Doanh nghiệp kinh doanh ngành khách sạn ở TPHCM vẫn chưa thể dám nghĩ kế hoạch xa hơn cho hoạt động kinh doanh của mình khi đang vẫn phải chịu nhiều áp lực. 

Đến nay, mặc dù mọi hoạt động kinh tế của TPHCM đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, hoạt động đi lại giữa các địa phương với TPHCM đã được thoải mái hơn nhưng theo phản ánh của những người hoạt động trong lĩnh vực khách sạn thì tình hình kinh doanh vẫn chưa thật sự khởi sắc. Thậm chí, nhiều người cho biết hoạt động kinh doanh quý 4 lại gian nan hơn trước vì nhiều lý do  khác nhau.

Theo báo cáo của Savills, trong quý 3, tổng nguồn cung còn 10.400 phòng đến từ 74 dự án khách sạn, giảm 22% theo quý và giảm 27% theo năm. Thời gian qua, khách sạn hưởng lợi từ những biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt trong quý 3, khi các doanh nghiệp thuê phòng khách sạn cho nhân viên ở để đảm bảo hoạt động kinh doanh, sản xuất. Công suất phòng đạt 55%. Tuy nhiên, công suất này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch.

Áp lực nguồn cung tiếp tục tăng lên trong quý 4/2021 khi 30 khách sạn phục vụ tuyến đầu chống dịch hoạt động trở lại bình thường. Tình hình hoạt động của các khách sạn bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp giảm nhu cầu đặt phòng khách sạn lưu trú. Và quan trọng nhất là nguồn khách du lịch vẫn chưa qua trở lại.

Anh Đoàn Dương, Giám đốc quản lý một chuỗi khách sạn tư nhân ở quận 1 cho biết, điều lo lắng chính là lượng khách đặt phòng nhiều ngày hầu như rất ít. Quý 3 tuy là thời điểm TPHCM giãn cách xã nghiêm ngặt nhưng tình hình kinh doanh ở một số khách sạn đỡ hơn quý trước do có được nguồn khách từ các doanh nghiệp đặt phòng cho nhân viên ở để làm việc theo mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc là lượng khách cách ly của lực lượng tham gia chống dịch. Hiện tại, những nguồn khách này không còn. 

Trong khi đó, người đứng đầu một doanh nghiệp là chủ của hệ thống khách sạn cao cấp ở khu vực Thảo Điền, TP.Thủ Đức, cho biết, cái khó hiện nay khách du lịch quốc tế không có, trong khi đó, lượng khách là người dân thành phố đi nghỉ theo kiểu du lịch tại chỗ lại rất ít. Khách từ các tỉnh vẫn chưa đến thành phố để vui chơi, hội họp và khách quốc tế, lượng khách quan trọng của hệ thống khách sạn thành phố vẫn chưa thể trở lại vì dịch COVID-19. Thực tế đối diện hiện nay là các chủ khách sạn đang ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đóng hay mở đều khốn khổ. Nếu mở, chi phí nhân công, điện nước, bảo dưỡng, lãi vay... đè nặng, thu không đủ chi. Nếu đóng, thất thoát cũng không nhỏ, nhẹ thì ẩm mốc, hoen ố, vật dụng xuống cấp, nặng thì hư hỏng, cháy nổ. Khi mở lại, chi phí bảo trì cũng tốn bộn tiền.

Những con số đáng buồn nêu trên đã cho thấy bức tranh u ám của ngành khách sạn. Tình trạng nhiều chủ khách sạn tại TPHCM phải rao bán tài sản đã xảy ra từ năm ngoái. Đến nay, số lượng khách sạn được rao bán lại nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thực tế không nhiều vì mức giá đưa ra cũng không phải là “nhẹ nhàng”. Đơn cử theo tìm hiểu thì mức giá bán của một khách sạn tầm 4 sao, ở tuyến đường trung tâm thuộc khu vực quận 1 đang được chào bán với giá 1.100 tỉ đồng, tương đương suất đầu tư cho mỗi phòng lên đến 12 tỉ đồng, cao hơn suất đầu tư của khách sạn 5 sao. Chính vì vậy, tình trạng khách sạn rao bán nhiều nhưng giá vẫn rất cao và có ít giao dịch được dự đoán rằng đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn