MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người lướt sóng nhà, đất sẽ bị đánh thuế cao hơn. Ảnh Cao Nguyên.

Người lướt sóng bất động sản sẽ bị áp thuế cao?

CAO NGUYÊN LDO | 19/01/2023 15:00

Để hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản (BĐS), Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu áp dụng thuế suất cao hơn đối với giao dịch loại hình này mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn.

Bộ Tư pháp vừa có tờ trình dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 để trình Chính phủ.

Trong đó, về thuế thu nhập cá nhân, một nội dung mới được cơ quan này đề cập là nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ.

Cụ thể, nghiên cứu theo hướng áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch BĐS mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn để có mức độ điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng BĐS.

Đánh thuế cao tránh tình trạng đất bỏ hoang. Ảnh Cao Nguyên.

Bộ Tư pháp nhìn nhận thực tế thời gian qua đã phát sinh tình trạng cá nhân thực hiện hoạt động chuyển nhượng BĐS nhưng kê khai giá chuyển nhượng trong hồ sơ khai thuế thấp hơn nhiều so với giá thực tế mua bán nhằm giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế.

Cơ quan này cho biết có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để điều tiết thuế cao hơn khi chuyển nhượng đối với các trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4... BĐS trong thời gian ngắn gây bất ổn cho thị trường.

Chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia về thuế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lâu nay cũng đã nói đến nhiều về thuế BĐS. Trước đó, có đề xuất nên đánh thuế BĐS thứ 2 trở đi và lũy tiến giá trị BĐS, nhất là nhà, đất bỏ hoang để đầu cơ chờ giá lên, không ai ở. Theo ông Thịnh đó là trọng tâm gây nhiều hệ lụy làm tăng giá nhà đất, gây bất bình đẳng.

Đề xuất áp thuế suất cao đối với người lướt sóng nhà đất cũng là một ý kiến hay. Bởi lẽ, hiện nay một số quốc gia đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn.

Chúng ta có thể kể tại một số nước trong khu vực như tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%”.

Còn tại Malaysia cũng gần tương tự thuế thu nhập BĐS từ việc thanh lý tài sản (luật có hiệu lực năm 2014) theo tỉ lệ và thời gian nắm giữ: 30% trong thời gian nắm giữ lên đến 3 năm; 20% cho thời gian nắm giữ trên 3-4 năm; 15% cho thời gian nắm giữ trên 4-5 năm.

Cùng quan điểm, chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, quy định chính sách thuế điều tiết đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS hợp lý sẽ góp phần hạn chế đầu cơ, bong bóng.

“Nhưng chúng ta cũng cần phải làm chặt chẽ vì sẽ có nhóm đối tượng tìm cách lách để qua mặt cơ quan chức năng”, ông Tú nhấn mạnh.

Báo cáo của cơ quan thuế, năm 2022, số thu từ thuế chuyển nhượng BĐS, nhận thừa kế và nhận quà tặng là BĐS dự kiến đạt hơn 41.000 tỉ đồng, tăng hơn 20.000 tỉ đồng so với năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn