MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dữ liệu của VARS cho thấy, ước lượng số người môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30%-40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Ảnh minh họa: Phan Anh

Người môi giới bất động sản dẫn đầu tỉ lệ bỏ nghề

Phan Anh LDO | 24/07/2023 09:00

Giao dịch bất động sản giảm sâu khiến nhiều người môi giới phải chuyển nghề. Hiệp hội môi giới bất động sản cho biết, lượng người môi giới bỏ nghề tìm việc mới đã và đang tăng kỷ lục.

Người môi giới bỏ nghề "như lá rụng mùa thu"

Bén duyên với nghề môi giới bất động sản từ năm 2021, Nguyễn Mạnh Dũng (26 tuổi, Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, nghề này đã giúp anh có thu nhập cao. Nhận thấy đây là nghề tiềm năng, Dũng đã giới thiệu nhiều bạn bè cùng vào công ty làm việc.

Tuy nhiên cùng với sự "đóng băng" của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền thời gian qua, đến nay, bạn bè của Dũng đều đã nghỉ việc, tìm kế mưu sinh mới.

"Bản thân tôi là người được đồng nghiệp đánh giá là "có duyên" chốt đơn với khách hàng mà thời gian qua thật sự rất chật vật. Kinh tế khó khăn, lãi suất cao, khách không dám dùng đòn bẩy tài chính đầu tư nên khách hỏi nhiều nhưng xuống tiền lại rất ít. Kể cả dự án đảm bảo pháp lý, có sổ đỏ thời điểm này cũng khó bán do khách có tâm lý chờ đợi xuống giá.

Tôi vẫn cố bám trụ chờ qua thời điểm khó khăn này nhưng ở công ty tôi, nhân viên "rụng như lá mùa thu", đặc biệt là những người tay ngang từ nghề khác qua làm môi giới" - anh Dũng cho hay.

Chia sẻ với PV Lao Động, anh Nguyễn Công Thảo (28 tuổi, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết, không thể bám trụ được với nghề do nhiều tháng không có khách chốt giao dịch.

"Nếu môi giới ở mảng đất nền, dù ít nhưng lâu lâu vẫn có khách chốt mua. Nhưng tôi tập trung chủ yếu môi giới phân khúc chung cư, nhà phố, thời gian qua, giao dịch rất èo uột. Lâu lắm mới có khách xuống tiền thì hoa hồng lại bị chậm. Sống ở Hà Nội thì đắt đỏ, bắt buộc tôi phải chuyển nghề để bám trụ. Nếu như sau này thị trường sôi động trở lại, có thể tôi vẫn quay lại với nghề vì thực sự có giai đoạn nghề môi giới mang lại thu nhập rất cao" - anh Thảo nói.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lượng giao dịch thời gian qua chưa đến 50% so với năm ngoái. Cả nguồn cung và cầu của thị trường đều sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, môi giới bất động sản chìm trong khó khăn, túng thiếu và thất nghiệp.

Môi giới bất động sản thuộc nhóm đi tìm việc mới nhiều nhất

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý II/2023, môi giới bất động sản dẫn đầu trong nhóm nghề đi tìm việc làm nhiều nhất, theo sau là nhóm nghề dệt may, thực phẩm và đồ uống, kho vận, bảo hiểm.

Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo VARS, các doanh nghiệp môi giới hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỉ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên dưới nhiều hình thức như dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, cho thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên…

Tình trạng sa thải nhân sự không chỉ riêng với các doanh nghiệp đầu ngành mà thậm chí với các doanh nghiệp nhỏ khác còn mạnh mẽ hơn. VARS nhận định, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.

Dù vậy, VARS nhận định, triển vọng nghề nghiệp của môi giới bất động sản vẫn lớn mặc dù đang trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao. Vì vậy, các nhân viên môi giới phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.

Bởi lẽ câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên chủ yếu chỉ tập trung ở nhân sự mới nhưng vẫn giữ lại nhân sự cứng, năng lực tốt. Bởi lẽ, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản mới sẽ siết chặt hơn việc quản lý và giám sát với hoạt động môi giới bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn