MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ngôi nhà biệt thự đồ sộ để lâu năm nhưng chủ không hoàn thiện để vào ở. Ảnh Cao Nguyên.

Người nhiều đất, “găm đất” sẽ bị đánh thuế?

CAO NGUYÊN LDO | 23/04/2021 11:16

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 38 gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà. Trong đó, HoREA có đề xuất đánh thuế cao với người chậm đưa đất vào sử dụng.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay.

Việc này gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Theo ông Châu, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là do giới đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông - hám lợi”...

Văn bản cũng nêu rõ, khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân lướt sóng theo đám đông do thiếu vốn phải vay với lãi suất cao, lại không có đủ thông tin và kỹ năng, nên đã sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, “trắng tay”.

Nhiều khu đất trở thành hoang hóa. Giá đất ở một số địa phương bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.

Đề ngăn chặn tình trạng sốt đất, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng" trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng "bong bóng".

Đồng thời, đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.

Đặc biệt, Hiệp hội đề xuất nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ, thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân.

Bên cạnh đó HoREA cũng đề xuất đánh thuế cao người chậm đưa đất vào sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn