MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người trẻ vay mượn, nợ nần để có nhà chung cư Hà Nội

Thu Giang LDO | 15/07/2023 18:35

Việc sở hữu nhà chung cư đang là "giấc mơ" nhưng cũng là gánh nặng lớn của không ít gia đình trẻ tại Hà Nội khi thu nhập hàng tháng không cao, họ buộc phải chọn giải pháp vay mượn, nợ nần để có nhà.

Dù mức lương hàng tháng chưa đến 20 triệu đồng nhưng anh L.V.T (SN 1994, quê ở Ninh Bình) vẫn quyết định vay mượn bạn bè hơn 800 triệu đồng để mua căn hộ chung cư 1,9 tỉ ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) hồi tháng 4.2023. Thu nhập không cao nên hàng tháng anh L.V.T buộc phải chắt bóp các khoản chi tiêu, tiết kiệm hết mức để gồng trả lãi số tiền đã vay mượn.

"Tôi cũng như nhiều người trẻ ra Hà Nội sinh sống và làm việc đều mong muốn sở hữu một ngôi nhà để an cư, bám trụ lại Thủ đô. Thậm chí có nhiều người bạn của tôi còn phải gồng gánh nợ mua nhà khi thu nhập eo hẹp, gặp áp lực phải thành công từ phía gia đình, hàng xóm láng giềng.

Nếu như với mức thu nhập gần 20 triệu tháng, tôi có thể thoải mái sống ở nhà thuê 3 - 4 triệu đồng/tháng nhưng vì coi đây là một khoản đầu tư nên mới lựa chọn mua nhà khi nguồn thu nhập của chưa cao" - anh L.V.T tâm sự với Lao Động chiều 15.7.2023.

Nhiều gia đình trẻ tại Hà Nội sẵn sàng nợ nần để mua nhà chung cư. Ảnh: Thu Giang

Tương tự, anh Trần Thế Huy (SN 1992, sinh sống ở căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, dù làm việc tại Hà Nội đã 10 năm nay nhưng vợ chồng anh vẫn phải vay mượn bạn bè 500 triệu đồng để mua căn hộ chung cư 1,6 tỉ đồng. Vợ chồng anh cũng xác định làm việc tại Hà Nội lâu dài nên mới chấp nhận gồng nợ, chi tiêu tiết kiệm để trả các khoản vay mượn theo tháng.

Tìm hiểu của PV Lao Động, vì tâm lý "ăn cư" nên nhiều gia đình trẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội dù có mức thu nhập không cao nhưng họ vẫn chọn cách vay mượn để sở hữu nhà chung cư. Thậm chí trong quá trình phóng viên phỏng vấn, có không ít gia đình trẻ cho rằng việc mua nhà này là động lực để họ nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba, trả khoản nợ, vay mượn còn lại.

Bên cạnh đó, cũng có không ít người trẻ cảm thấy hối hận vì đã "thấm đòn" khi vội vàng mua nhà, tiền trả góp mua nhà hàng tháng đã chiếm hơn một nửa thu nhập hoặc lãi suất ngân hàng biến động khiến họ gần như rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, nợ chồng nợ.

Việc sở hữu nhà chung cư đang là "giấc mơ" nhưng cũng là gánh nặng lớn của không ít gia đình trẻ tại Hà Nội khi thu nhập hàng tháng không cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại hội nghị diễn ra vào ngày 13.7 mới đây, TS Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập, nguồn cung nhà ở thương mại mới trên thị trường đang sụt giảm khiến giá bán tăng cao chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản, dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp, phát hành trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, chặt chẽ hơn…

TS Nguyễn Văn Khôi phân tích, nguồn cung khá hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao, các phân khúc nhà ở chung cư phân khúc trung bình và nhà ở xã hội hầu như không phát sinh lượng tồn kho.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn