MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà giá rẻ dần có sự chuyển biến. Ảnh: Gia Miêu

Nguồn cung nhà giá rẻ tại các tỉnh phía Nam bắt đầu xuất hiện nhiều

Bảo Chương LDO | 05/02/2024 18:23

Trước bối cảnh lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản quá lớn khiến cho thanh khoản thị trường đang khó khăn, nhiều chủ đầu tư cũng đã bắt đầu chấp nhận thay đổi cơ cấu sản phẩm, chuyển dịch từ nhà cao cấp sang loại hình nhà giá rẻ, vừa túi tiền để thích nghi trong năm 2024.

Ghi nhận cho thấy, hiện trên thị trường nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận thay đổi để thích nghi thị trường với hàng loạt dự án mới vừa túi tiền được ra mắt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Mới đây, chủ đầu tư Phú Đông Group đã thực hiện 3 dự án nhà giá rẻ, vừa túi tiền trên địa bàn tỉnh Bình Dương và được người mua nhà đón nhận. Dự án mới nhất vừa công bố của chủ đầu tư này là Phú Đông SkyOne, quy mô 780 căn hộ giá rẻ từ 1,3 tỉ đồng vừa được tung ra thị trường.

Cũng thuộc loại hình nhà giá rẻ, Nam Long Group tiếp tục tung ra thị trường căn hộ Ehome Southgate tại Bến Lức, Long An với giá bán từ 1,1 tỉ đồng/căn. Dự án này tọa lạc trong khu đô thị quy mô lớn, sở hữu tiện ích nội ngoại khu đa dạng, hiện hữu thu hút được người mua ở thực về an cư, giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp và lao động địa phương.

Hay ở TPHCM, hàng loạt dự án có giá bán vừa túi tiền như Akari City tại Bình Tân với giá bán từ 43 triệu đồng/m2, ưu đãi chính sách thanh toán với lãi suất chỉ 1% mỗi tháng.

Mizuki Park Bình Chánh, giá từ 46 triệu đồng/m2 cũng áp dụng chính sách thanh toán lãi suất 2% mỗi tháng. Cả hai dự án trên đều là sản phẩm trong khu đô thị hiện hữu đa dạng tiện ích và phù hợp với nhu cầu mua để ở thực.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2024-2025, Nam Long cũng dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm bất động sản thuộc các sản phẩm nhà giá rẻ, vừa túi tiền người mua ở thực.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án có giá vừa túi tiền khác như MT Eastmark City, 9X An Sương, Bcons, Shome… cũng đang rục rịch được triển khai trong năm 2024.

Dù vậy, cần phải có một góc nhìn khách quan đó là, dù các doanh nghiệp đang nỗ lực cơ cấu lại phân khúc, giá bán sản phẩm, song vẫn còn tồn tại những loại chi phí không tên khiến giá nhà khó giảm mạnh như kỳ vọng.

Thực tế, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể giảm mạnh giá bán, một trong số đó là do các chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án chung cư trung cấp ở TPHCM cho rằng, chi phí đội lên cao nhất là chi phí đất. Theo đó, để tìm được một quỹ đất phù hợp quy hoạch đã khó, có đủ diện tích để thực hiện dự án còn khó hơn.

Song, ngay cả khi doanh nghiệp “săn” được khu đất hợp ý thì việc giá đất liên tục leo thang là rào cản lớn. Chưa kể, khi thực hiện dự án, doanh nghiệp phải lo thủ tục pháp lý, việc hoàn thiện pháp lý cho dự án không đơn giản chỉ là doanh nghiệp cứ đến cơ quan chức năng nộp hồ sơ rồi sẽ có công văn trả lời, mà phải chờ các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến. Thời gian chờ đợi thủ tục phải theo quy định, nhưng thường trễ hẹn. Thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu, từ đó làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Do đó, để phát triển bền vững thị trường, thực hiện mục tiêu giảm giá nhà để nhiều người dân có thể tiếp cận được, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, trước tiên cần nhanh chóng chuyển đổi cơ chế để có một lượng lớn dự án nhà ở được đưa ra thị trường, tức là phải sớm tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý.

Còn về dài hạn, vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản phẩm theo hướng cân đối, hài hòa, bền vững với phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở trung cấp phải là phân khúc chủ đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn