MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định trong luật mới có hiệu lực sẽ góp phần giải tỏa nút thắt tạo động lực cho nhà ở xã hội phát triển. Ảnh minh họa: Dạ Khánh

Nguồn cung nhà ở xã hội sắp bứt phá, giá nhà có cơ hội ổn định

Tuyết Lan LDO | 24/06/2024 11:30

Theo các chuyên gia, những quy định pháp luật mới sắp có hiệu lực liên quan đến bất động sản sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội bùng nổ trong thời gian tới.

Mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đến năm 2025, Hà Nội đã duyệt phát triển 5 khu nhà ở xã hội với quy mô 248 ha. Đến nay, Sở Xây dựng hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án. Số dự án này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định.

4 dự án có diện tích 203 ha, khoảng 12.300 căn nhà ở xã hội. Trong đó, huyện Đông Anh, Mê Linh có 3 dự án với 9.800 căn, huyện Gia Lâm là một dự án với 2.400 căn hộ. Như vậy, thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ dồi dào hơn so với hiện tại. Những động thái này cũng cho thấy, những nỗ lực quyết liệt của các lãnh đạo cơ quan ban ngành trong công tác phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian tới, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sẽ có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành đất cho quỹ nhà ở xã hội. Bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội…

Dự kiến trong thời gian tới, một số quy định trong luật mới chính thức có hiệu lực sẽ góp phần giải tỏa một số nút thắt, tạo đà cho phân khúc này phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý về việc các quy định mới này có hỗ trợ những dự án đã được phê duyệt và vướng bởi các quy định trước đó hay không.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, những điểm mới trong Luật Nhà ở 2023 sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội bùng nổ trong thời gian tới. Đơn cử, Luật Nhà ở mới quy định đối với những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn.

20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. Luật Nhà ở 2023 cũng bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Đáng nói, với những chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được miền trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là điểm cộng để tăng sức hút đầu tư.

Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng và điều kiện mua nhà ở xã hội. Nghị định, thông tư cũng như đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về từng điều kiện của đối tượng như nhà ở, thu nhập, nơi cư trú… Sự rõ ràng này sẽ mở ra các cơ hội rộng mở hơn trong việc người dân tiếp cận nhà ở xã hội.

Theo vị chuyên gia này, việc đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, được xem là giải pháp cứu cánh về nguồn cung, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nỗ lực hơn trong tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng sẽ giúp giá bất động sản ổn định, thậm chí có thể kéo giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn