MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nguy cơ mất tiền cọc vì lỡ hẹn với ngân hàng

ANH HUY LDO | 25/01/2023 14:07

Việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay bất động sản khiến người có nhu cầu vay tiền mua nhà vất vả, chật vật xoay xở. Nhiều người khi đặt cọc nhưng không xoay kịp tiền có thể đối diện nguy cơ bỏ cọc…

Với số vốn tích lũy 1,2 tỉ đồng trong tay, hơn 2 tháng qua, anh Trần Tiến Dũng (quê ở Hà Tĩnh) chật vật tìm ngân hàng vay thêm 800 triệu đồng để mua căn hộ 68m2 ở Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội). Tuy nhiên, để vay được tiền hiện tại là điều không dễ.

Anh Dũng chia sẻ, vì không thể với tới các căn hộ ở trung tâm, anh đã chấp nhận mua nhà ở xa hơn để giảm gánh nặng tài chính.

Từ đầu tháng 12.2022, sau một thời gian tìm kiếm, anh Dũng đã xuống tiền đặt cọc 50 triệu đồng một căn hộ chung cư. Sau đó, anh tiến hành rải hồ sơ vay tại 5 ngân hàng nhằm kịp hạn tất toán vào cuối tháng 1.2023.

“Hơn một tháng trôi qua, câu trả lời chung của các ngân hàng đến nay vẫn là chờ. Tôi đang nghĩ tới phương án đi vay ngoài để đủ tiền thanh toán theo lịch hẹn, nếu không sẽ mất tiền cọc", anh Dũng nói.

Trong khi đó, anh Lê Đức Vỹ (ở quận Thanh Xuân) chia sẻ, vào cuối năm ngoái (năm 2022), sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Hà Nội, anh có cơ hội mua nhà bởi người quen cần tiền gấp nên bán rẻ lại một căn liền kề trong ngõ, giá gần 3,5 tỉ đồng. Với khoản tích lũy hơn 2 tỉ đồng, anh cần vay thêm khoảng 1,2 tỉ đồng.

“Với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, lại là vay mua nhà lần đầu, tôi cứ nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế. Đi hỏi 10 ngân hàng thì đến 8 lắc đầu vì lý do "hết room", còn lại thì hẹn sang tháng 2.2023. Chủ nhà cần tiền nên bán gấp, bắt chờ thế thì hết cơ hội”, anh Vỹ kể.

Mặc dù ngân hàng không chủ trương siết tín dụng với người vay mua nhà, nhưng điểm khác biệt so với trước đây là các ngân hàng sẽ làm rất kỹ lưỡng ở khâu thẩm định năng lực tài chính của bên vay nên thời gian kéo dài hơn.

Trước những khó khăn hiện tại, để tháo gỡ cho người thu nhập thấp, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 hoặc 2 tỉ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay ngân hàng từ nay đến hết năm 2023.

Việc tiếp cận vốn vay để mua nhà vẫn gặp khó. Ảnh: Cao Nguyên

Sở dĩ HoREA có kiến nghị trên là vì hiện tại, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu lên tới 30 - 50%, dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án chỉ còn khoảng 2 tỉ đồng/căn.

Nếu được hỗ trợ vay với lãi suất phù hợp, cơ hội mua nhà của lao động phổ thông, công nhân thời điểm này là rất lớn. Cùng với đó, khi khách hàng có tiền mua nhà cũng sẽ là điểm tựa để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản, giúp thị trường ấm lên.

Làm sao để không bị lừa mất tiền đặt cọc?

Bên cạnh những người có nhu cầu giao dịch thật, không ít người chủ đích lừa đảo tiền đặt cọc mua nhà, đất. Đó là khi người mua giao tiền cọc, đến thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán nhà, đất nhưng không thể liên lạc được với người bán, hoặc bị liên tục trì hoãn giao dịch.

Để hạn chế tối đa trường hợp này, người mua cần tìm hiểu kỹ, chính xác thông tin, địa chỉ của thửa đất cũng như chủ sở hữu của thửa đất để ghi nhận vào hợp đồng đặt cọc.

Hợp đồng đặt cọc nên có điều khoản phạt cọc thật cao so với số tiền đặt cọc nếu bên nhận đặt cọc từ chối giao kết, ký hợp đồng chuyển nhượng cho bên đặt cọc.

Ngoài ra cần thêm điều khoản ngay sau khi ký hợp đồng đặt cọc thì yêu cầu bên nhận đặt cọc phải bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên đặt cọc giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn