MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 7 ha đất "vàng" thuộc dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa bị lấn chiếm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nguyên nhân khiến dự án công viên đắp chiếu 20 năm trên khu đất vàng

Vĩnh Hoàng LDO | 09/12/2023 06:00

Hà Nội - Các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách tái định cư và giá đền bù chưa thoả đáng là những nguyên nhân khiến dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa trên khu đất vàng 7 ha đắp chiếu suốt 2 thập kỷ.

Theo ghi nhận của Lao Động, ngày 8.12, tại dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa, hàng nghìn mét vuông đất quy hoạch đã bị lấn chiếm xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh buôn bán.

Tại khu vực phố Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), khu đất vốn đã có quyết định thu hồi làm công viên trở thành dãy phố với nhiều cửa hàng ăn uống, thời trang. Các ngôi nhà sâu trong ngõ, ngách đều lụp xụp, xuống cấp do nhiều năm không được cải tạo, xây mới.

Những ngôi nhà lụp xụp, cùng hệ thống dây điện chằng chịt tại ngõ 278 Thái Hà gây mất an toàn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

"Hơn 20 năm dự án nằm trên giấy là từng đấy thời gian tôi phải dựa dẫm không gian xanh của quận khác" - ông Nguyễn Văn Sơn (55 tuổi, Trung Liệt, Đống Đa) bức xúc, mắt nhìn cảnh dự án công viên bị hàng trăm căn nhà lấn chiếm.

Ông Sơn cho biết, từ những năm 1990 khu vực này chỉ là bãi rác, rất ít người sinh sống. Sau này được thành phố quy hoạch làm Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa thế nhưng hơn 20 năm trôi qua, vẫn không thấy bóng dáng dự án đâu.

Nhiều cửa hàng ăn uống xuất hiện trên phố Thái Hà (Hà Nội), dù đây là khu đất đã có quyết định thu hồi. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa nằm trên khu đất vàng rộng 70.925 m2 thuộc địa bàn các phường Láng Hạ, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thành Công (quận Ba Đình).

Theo tìm hiểu, từ năm 2001, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6358/QĐ-UB về việc thu hồi 70.925 m2 đất trên để xây dựng Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa giai đoạn 1.

Đến năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hóa, tuy nhiên từ đó đến nay chưa thực hiện.

Hiện trên dự án ở phía quận Đống Đa tồn tại 406 hộ dân với 1.692 nhân khẩu; quận Ba Đình là 56 hộ, 142 nhân khẩu ăn ở thường xuyên.

Khó khăn vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thoả đáng. Đến nay, giai đoạn 1 dự án mới giải phóng mặt bằng được 1,9 ha đất công viên.

Sau hơn 20 năm đắp chiếu, dự án công viên đã bị hàng trăm ngôi nhà lấn chiếm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, việc triển khai Công viên văn hóa, thể thao, vui chơi Đống Đa đã kéo dài thời gian dự án khá lâu.

Về trách nhiệm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc là đơn vị tham mưu, thẩm định, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. UBND quận Đống Đa là đơn vị chủ đầu tư, tổ chức lập quy hoạch.

“Chúng tôi rất phụ thuộc vào vấn đề trình của UBND quận Đống Đa. Sở đã có 4 lần ban hành văn bản đôn đốc, riêng trong năm 2023 thì tháng 9 và tháng 10 đã có đôn đốc quận”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, tại kỳ họp trước đã giao và quận đã rà soát hiện trạng để lập hồ sơ, báo cáo Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Trong trường hợp sở phê duyệt xong, quận sẽ tổ chức thực hiện ngay.

Về nguồn kinh phí để lập quy hoạch, ông Lê Tuấn Định nêu rõ, thành phố đã có văn bản giao Sở Tài chính và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn quận Đống Đa dùng ngân sách cấp quận để thực hiện. Khi có hướng dẫn, địa phương sẽ tổ chức thực hiện, thuê đơn vị tư vấn để lập quy hoạch và trình sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn