MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhà đầu tư đổ xô mở rộng bất động sản công nghiệp

ANH HUY LDO | 10/08/2022 17:36
Trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều khiến nhu cầu thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng tăng cao. Đây là lý do khiến bất động sản (BĐS) công nghiệp hút khách. Chưa dừng lại, sự phát triển này đã khiến nhiều nhà đầu tư tăng cường mở rộng mặt bằng khu công nghiệp...
Bất động sản công nghiệp đang thu hút nhà đầu tư. Ảnh Cao Nguyên

Nhu cầu tìm kiếm nhà xưởng tăng

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2021, đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp vẫn ổn định dù bị ảnh hưởng của COVID-19. Tính đến đầu năm 2022, cả nước có 564 khu công nghiệp có trong quy hoạch với tổng diện tích 211.700ha; 398 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 123.500ha, trong đó, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 108 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản.

Điều này cho thấy mức độ phát triển đang diễn ra ở cả vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và phía Bắc. So với Indonesia, Malaysia và Philippines, giá đất công nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Các chuyên gia đánh giá, đó là cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển tận dụng các chuyển động để tìm cơ hội tham gia vào thị trường.

Trong báo cáo vừa công bố, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) đã đưa ra nhận định rằng, BĐS công nghiệp đang hồi sinh cùng làn sóng đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, động thái mở rộng khu công nghiệp của nhiều nhà đầu tư là khá dễ hiểu khi làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn tích cực.

Một báo cáo về thị trường BĐS công nghiệp được Công ty cổ phần chứng khoán SSI công bố gần đây cho thấy, tổng diện tích đất công nghiệp đã đưa vào hoạt động tại 6 tỉnh/thành phố công nghiệp trọng điểm phía Bắc tăng 6,0% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy hiện tại của 5 tỉnh/thành phố công nghiệp trọng điểm phía Nam tăng 4,4% lên 26.000ha, nâng tỷ lệ lấp đầy của các tỉnh phía Nam lên 89,6%. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu, miền Bắc dự kiến tăng thêm nguồn cung từ 3.600ha đất khu công nghiệp mở mới trong giai đoạn 2022-2023. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư ở miền Nam cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhằm đón sóng đầu tư nước ngoài.

Mở rộng hạ tầng

Ông Trịnh Văn Quang - Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Vina CPK, nhà đầu tư đến từ Singapore đang đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc) cho biết, sau giai đoạn “tạm dừng” vì COVID-19, Vina CPK đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đạt mục tiêu đưa vào xây dựng 60ha đất công nghiệp vào cuối năm 2022.

Theo ông Quang, phần diện tích 204ha đất khu công nghiệp mà Vina CPK đang khai thác đã được lấp đầy với sự hiện diện của 67 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Thụy Điển…

Theo báo cáo của SSI, về trung hạn nhu cầu thuê đất khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được đánh giá tăng trưởng tích cực và sẽ là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.

Có thể kể tới mấy nguyên nhân như hoạt động sản xuất kinh doanh không còn bị gián đoạn do dịch bệnh. Nguồn cung hạn chế và nhu cầu phục hồi vẫn là yếu tố giúp giá cho thuê khu công nghiệp duy trì ở mức cao. Hay như các chính sách thu hút FDI cũng thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam, có thể kể đến những chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo, và nhiều ưu đãi khác…

Các chuyên gia đánh giá, với sức hấp dẫn của thị trường đầu tư Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tại khu vực. Vì vậy, BĐS công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chú trọng đầu tư sâu hơn là điều dễ hiểu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn