MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nhà đất tư bỏ tiền mua đất phân lô nhưng để hoang. Ảnh: Cao Nguyên.

Nhà đầu tư "mắc kẹt" trên đất nền vì khó phân lô, tách thửa

ANH HUY LDO | 06/04/2023 09:11

Không ít chủ đất đã thắng lớn với chiêu trò phân lô, tách thửa để bán, nhưng khi thị trường trầm lắng và các quy định tách thửa đang được cơ quan chức năng siết chặt, không ít nhà đầu tư lao đao.

Những năm gần đây, nguồn cung từ các dự án ở trung tâm Hà Nội ngày càng hạn chế và mức giá liên tục tăng cao.

Chính vì điều này, các nhà đầu tư dịch chuyển về các huyện vùng ven tìm kiếm cơ hội. Do đó, đất nền tại các huyện như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai,... trở nên sôi động, đặc biệt là đất nền từ các mảnh đất lớn tách thửa.

Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, tại huyện Thạch Thất (TP Hà Nội), nhiều nhà đầu tư “tay to” đã về tìm kiếm những mảnh đất có diện tích lớn từ vài nghìn đến 5.000 m2, sau đó ồ ạt thực hiện tách thửa thành các lô đất có diện tích nhỏ hơn bán.

Đáng chú ý, nhiều lô đất được tách thửa này được quảng cáo là những “siêu phẩm đất nền” hay tự đặt những tên dự án hấp dẫn và cũng được đặt tên các khu giống như dự án của các chủ đầu tư lớn…

Việc rầm rộ phân lô, tách thửa một thời điểm đã thành phong trào. Không ít chủ đất đã thắng lớn với chiêu trò "tách thửa để bán nền" trên. Tuy nhiên, thị trường trầm lắng và các quy định tách thửa đang được cơ quan chức năng siết chặt khiến nhiều nhà đầu tư cũng rơi vào cảnh điêu đứng.

Nhiều nhà đầu tư gom hàng nghìn mét đất để tách thửa nhưng vỡ kế hoạch. Ảnh: Cao Nguyên.

Chị Hoàng Hải Yến - một nhà đầu tư ở Hà Nội - cho biết, cuối năm 2021, chị và nhóm đầu tư đã chung nhau hơn 10 tỉ đồng để mua lô đất hơn 5.000m2 ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhằm mục đích tách thửa. Nhưng do lô đất này chỉ có 200m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn, ao, nên sau đó buộc phải chuyển đổi về đất ở.

Theo tính toán của nhóm nhà đầu tư trên, với lô đất này, ngoài diện tích đất làm hạ tầng, họ có thể tách thành hơn 50 thửa đất diện tích 60-100m2 để bán.

Tuy nhiên, đến nay, mọi tính toán của chị Yến và nhóm đầu tư này đều đổ bể khi hồ sơ xin chuyển đổi và tách thửa vẫn không xong.

Cùng cảnh, anh Nguyễn Văn Dũng – một nhà đầu tư lâu năm - cũng đang lao đao vì quyết định mua lô đất nền hơn 3.000m2 tại Ba Vì để tách thửa nhưng không thành. Đến nay, số tiền đầu tư phải nằm im, trong khi đó tiền trả lãi cho ngân hàng mỗi tháng không hề nhỏ.

Hiện nay, Hà Nội đã quy định, hạn mức tối đa giao đất ở các phường là 90m2, xã trung du miền núi là 300m2. Quy định hạn mức này giúp công tác quản lý đất đai hiệu quả, tiết kiệm.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Huy An - Trưởng văn phòng Luật sư Huy An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất, công nhận là đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân sẽ do UBND cấp tỉnh quy định.

Luật sư An nói, thực hiện chính sách này, nhiều địa phương đính chính lại hạn mức đất ở theo quy định mới. Tuy nhiên, không phải người dân nào được cấp vượt hạn mức cũng chủ động mang sổ đi đính chính lại.

Những trường hợp đăng ký biến động (mua bán, cho tặng, thừa kế...) thì buộc phải thực hiện đính chính về hạn mức quy định nói trên.

Vị này đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần phải tìm hiểu kỹ quy định về hạn mức tránh thấy đất rẻ “ôm” vào để rồi mang nợ. Tốt nhất người mua nên đến UBND huyện, xã, phường, văn phòng đăng ký đất đai để hỏi cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn