MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà ở cho công nhân thuê tại thôn Bầu (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Nhà ở cho công nhân lao động: Sớm cải cách, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội

Cao Nguyên LDO | 11/06/2022 11:15

Phát triển nhà ở xã hội là mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội; vừa có tính cấp bách, vừa là công việc lâu dài; vừa có tính chất kinh tế, vừa có tính chất xã hội… tuy nhiên hàng loạt các khó khăn phát sinh liên quan đến vấn đề bố trí nguồn quỹ đất, thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý quá lâu cũng như việc khó huy động nguồn vốn đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận khi đầu tư vào lĩnh vực này đang khiến không ít dự án nhà ở xã hội đình trệ ở nhiều địa phương.

Nhà ở xã hội luôn được quan tâm

Trong nhiệm kỳ trước, khi đó Thủ tướng Chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều quyết định, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động... đặc biệt là nhà ở xã hội. Cuối tháng 5.2020, lúc đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trao đổi với công nhân về các vấn đề nhà ở, thu nhập việc làm, đào tạo tay nghề, đảm bảo an toàn lao động…  tại Khu công nghiệp VSIP, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, thời điểm đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tỉ lệ nhà ở cho công nhân còn rất thấp trên cả nước và cần phải được quan tâm hơn. Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐVN, đặc biệt với tỉnh Bắc Ninh nơi có nhiều công nhân làm việc ở các doanh nghiệp phải dành những nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, nguồn lực về đất đai, có cơ chế thuận lợi xây dựng những khu nhà ở công nhân.

“Nhà nước dành một nguồn lực cùng với tỉnh với Công đoàn, đồng thời địa phương cũng cố gắng lo quỹ đất đai, đặc biệt có cơ chế chỉ định đơn vị có năng lực để xử lý vấn đề này tốt nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đề nghị.

Có thể thấy trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở đã ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt là nhà ở xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển loại hình này. Cụ thể như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Với các chính sách đã ban hành, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (tương đương khoảng 18,58 triệu m2 sàn).

Cần thêm nhiều đột phá

Dù việc phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp...

Để đạt được như kỳ vọng, Chính phủ đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có các chính sách liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các yêu cầu, định hướng mới về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.

Để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, đúng mục tiêu, Chính phủ yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và làm việc, đặc biệt quan tâm phát triển mô hình nhà ở xã hội, hỗ trợ hàng trăm nghìn công nhân lao động, người thu nhập thấp… có mái ấm để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), các gói hỗ trợ của Chính phủ hứa hẹn sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới việc phát triển nhà ở xã hội.

Như quy định cấp trực tiếp 15.000 tỉ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỉ đồng.

Ở góc độ doanh nghiệp, các công ty bất động sản chia sẻ, để tăng nguồn cung, bên cạnh ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp cần sự đột phá về quỹ đất và thủ tục pháp lý.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho biết, trên thực tế, mọi việc không đơn giản doanh nghiệp đến Sở rồi sẽ có công văn, mà phải chờ các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến, thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu và ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp.

Lấy ví dụ khi triển khai dự án bất động sản ở Bình Dương, dù được ủng hộ, nhưng vẫn mất đến gần 3 năm mới hoàn tất thủ tục pháp lý.

“Khi có cơ hội thuận lợi, các doanh nghiệp đều sẵn sàng bắt tay triển khai các dự án” - ông Ngô Quang Phúc bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, cần cải cách, rút ngắn thủ tục, thời gian làm thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho dự án nhà ở xã hội; rà soát, bổ sung quỹ đất ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cũng được tập trung đẩy mạnh.

Cùng với các chính sách, việc thêm các tập đoàn tư nhân tầm cỡ tham gia thị trường sẽ tạo nhiều kỳ vọng về khả năng đột phá trong lĩnh vực nhà ở này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn