MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu nhà ở xã hội ở trên địa bàn xã Kim Chung (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) sắp hoàn thành. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp: Dự án đắp chiếu, công nhân “khát” nhà giá thấp

Cao Nguyên - Nguyễn Hải LDO | 25/05/2021 13:00

Nhà ở xã hội là bài toán để giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp song sau rất nhiều năm triển khai, rất nhiều người vẫn không thể “chạm” tới giấc mơ an cư. Suốt nhiều năm đi thuê nhà, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp vẫn mong ước có một ngôi nhà của chính mình để sinh sống ổn định hơn.

Loay hoay tìm lối thoát

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là chủ trương hợp lòng dân, phù hợp hoàn cảnh những hộ khó khăn về nhà ở, cán bộ, công nhân viên làm việc ở các đô thị nhưng không đủ tiền để mua nhà thương mại. Cùng với việc mua NƠXH là việc người dân có thể được vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi, được trả góp kéo dài trong nhiều năm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp có cơ hội mua nhà, ổn định cuộc sống.

Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển NƠXH, trong đó có các quy định về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thông thoáng cho các đơn vị tham gia đầu tư NƠXH như: Hưởng chính sách về miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm một số các loại thuế; trợ giúp đầu tư hạ tầng của khu vực cho dự án phát triển NƠXH… Ðối với người mua, đã có chính sách hỗ trợ lãi suất, thời gian trả tiền vay kéo dài nhiều năm.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng NƠXH, bao gồm 507 dự án NƠXH độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha. Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông. Hiện tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu mét vuông; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu mét vuông NƠXH đã hoàn thiện, Bộ Xây dựng nhìn nhận mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra. Điều đó chứng tỏ, nguồn cung về NƠXH còn thiếu gần 60% - một con số đáng báo động.

Trước những nhu cầu lớn về NƠXH và nguồn cung vẫn còn nhiều hạn chế chưa đủ đáp ứng, thế nhưng lại xảy ra một nghịch lý là nhiều dự án NƠXH bị trì hoãn, “mắc cạn” không thể triển khai xây dựng hoặc xây xong lại bị… ế. Đây là câu chuyện đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Đó là càng khuyến khích càng thiếu. Càng có nhiều ưu đãi, càng không thấy doanh nghiệp mặn mà. Khi nhu cầu nhà giá thấp càng lớn thì thực tế giá nhà lại càng đang bị đẩy lên cao. Nhiều dự án đình trệ, trong khi những dự án đã hoàn thành xong lại không mấy ai mua, rao bán đến hàng chục lần vẫn bỏ trống.

Đơn cử như dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội) thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng cao trong khu vực, hình thành một khu nhà ở với đầy đủ chức năng cần thiết, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hài hoà với khu vực xung quanh. Dù được phê duyệt từ tháng 5.2018 nhưng đến nay, NƠXH vẫn không thấy mọc lên mà thay vào đó là những cỏ dại, rêu phong phủ đầy trên bãi đất hoang.

Bị đình trệ đã đành, nhiều dự án NƠXH khi hoàn thiện lại rơi vào nghịch lý không có người ở. Có rất nhiều dự án NƠXH khi xây xong vẫn còn tình trạng “nhà hoang, người trống”, rao bán hàng chục lần vẫn chẳng ai mặn mà. Ðiển hình như dự án tổ hợp NƠXH và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là New City) tại xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức, gồm bốn khối nhà, với gần 1.500 căn hộ, diện tích từ 44 đến 70m2, khởi công xây dựng từ năm 2014.

Theo hợp đồng, chủ đầu tư dự kiến bàn giao nhà cuối năm 2017, nhưng đến giữa năm 2019 mới bàn giao và đến nay vẫn còn nhiều hạng mục dang dở, trong có mới chỉ hoàn thiện hai khối, còn hai khối nhà vẫn trong tình trạng "đắp chiếu". Vì vậy, sau nhiều đợt rao bán, người thu nhập thấp vẫn lăn tăn, cân nhắc nên hay không nên xuống tiền.

Đó chỉ mới là một trong số ít các dự án NƠXH “long đong” tìm bến đỗ. Tính đến nay, trên địa bàn Hà Nội hay TPHCM còn rất nhiều dự án NƠXH khác cùng chung số phận, tồn đọng sau nhiều năm hoàn thành nhưng chưa về đến tay người dân. Người thu nhập thấp vẫn mỏi mòn chờ đợi được có nhà để ổn định cuộc sống còn NƠXH vẫn loay hoay tìm lối thoát.

Khao khát mua nhà NƠXH

Gia đình anh Nguyễn Văn Thăng (một công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, TP.Hà Nội) đã hơn 5 năm đi thuê và sinh sống tại nhà ở thu nhập thấp. Với số tiền lương của hai vợ chồng, chưa bao giờ anh nghĩ mình mua được nhà nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước. “Tôi cũng khao khát muốn mua được NƠXH giá rẻ để gia đình sinh sống ổn định. Tuy nhiên, đi tìm các dự án thì thấy có nhiều vướng mắc nên phải dừng lại” - anh Thăng chia sẻ với PV Lao Động.

Trong khi đó chị Bùi Lan Phương (sinh năm 1985) có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy đã nhiều năm nay nhưng vẫn không thể tiếp cận được các căn NƠXH. Chị Phương chia sẻ “ban đầu vợ chồng tôi cũng đã đi tham khảo một số các căn NƠXH gần trung tâm nhưng hầu như không còn. Nhiều người đã đặt tiền mua hết từ khi dự án mới khởi công. Đối với một vài căn hiện còn trống thì giá bán lại cao nên tài chính của gia đình vẫn chưa đáp ứng được”. Theo chị Phương, nếu muốn sở hữu NƠXH, chị phải chấp nhận đi làm xa hơn khoảng 10km vì hầu hết dự án NƠXH đều khá xa trung tâm nội thành. Vợ chồng chị cũng đang rất đắn đo, bởi nếu gần trung tâm thì không mua được, còn ở xa thì rất bất tiện cho việc đi làm và việc học hành của con cái.

Hai năm nay đi tìm mua nhà tại khu vực huyện Gia Lâm và một số quận nội thành, chị Phạm Thị Minh Hằng (quận Hoàng Mai) cho hay, việc tìm một dự án chung cư có giá nhà thấp không dễ chút nào. Tài chính tích góp của vợ chồng mấy năm nay đã đủ để mua các căn NƠXH rộng khoảng 50-60m2. Tuy nhiên, đến nay, gia đình chị Hằng vẫn chật vật tìm kiếm các căn NƠXH trong nội thành.

“Giờ tìm mua được NƠXH gốc rất khó, tôi lên mạng thấy hầu hết là nhà thương mại hoặc nhà người ta sang nhượng. Vì thấy thủ tục rắc rối, dễ rủi ro nên tôi cũng chưa dám xuống tiền để mua” - chị Hằng tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn