MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà ở xã hội chưa như kỳ vọng. Ảnh: Lê Toàn

Nhà ở xã hội tại TPHCM cần thêm trợ lực

Bảo Chương LDO | 22/02/2024 11:00

Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhà lưu trú cho công nhân ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 là 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ). Tuy nhiên, đến nay thành phố mới chỉ có hai dự án được hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô 61.554m2 sàn (623 căn hộ) và 7 dự án đang triển khai với quy mô 440.690m2 sàn (4.996 căn hộ).

Thiếu nguồn cung nhưng rất khó làm nhà ở xã hội

Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong năm 2023, chỉ có một dự án NƠXH được cấp phép xây dựng với quy mô 242 căn hộ. Ngoài ra còn có 6 dự án đang triển khai xây dựng với tổng cộng hơn 4.700 căn hộ, dự kiến được đưa ra thị trường trong năm 2024.

Như vậy, để đạt được chỉ tiêu đặt ra theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2025, thành phố phải phát triển thêm khoảng 2 triệu m2 sàn (29.381 căn hộ) NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. Đây là mục tiêu không hề dễ dàng nếu thành phố không quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có.
Sở Xây dựng TPHCM nhận định thời gian qua, thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. Trong đó có thể kể đến các bước thủ tục đầu tư dự án NƠXH còn phức tạp.

Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án NƠXH phải thực hiện thêm nhiều thủ tục khác như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, thuê NƠXH, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức... Từ đó dẫn đến việc chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group - cho rằng, chính sách NƠXH ban hành nhiều năm qua nhưng thực tế nhà làm ra rất ít vì doanh nghiệp không muốn và không thể tham gia. Quy trình làm dự án NƠXH không khác gì làm nhà ở thương mại, nhưng làm NƠXH còn chịu giám sát nhiều hơn cả đầu vào lẫn đầu ra và đối tượng khách hàng, tỉ lệ lợi nhuận.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho hay, để tạo lập nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp thì cần một chính sách riêng trên cơ sở chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước nhưng với nhiều đổi mới để thu hút doanh nghiệp tham gia loại hình này.

Nhiều bất cập trong quy hoạch quỹ đất

Theo Sở Xây dựng TPHCM, qua tổng hợp các dự án, khu đất NƠXH trên địa bàn thành phố đã cho thấy có nhiều điểm bất cập. Trong đó có tình trạng phân bổ không đồng đều các dự án NƠXH trên địa bàn thành phố, cụ thể là thừa tại các khu vực các quận, huyện nơi có nhiều dự án nhà ở thương mại nhưng thiếu tại các khu vực vùng ven, nông thôn, khu vực nơi ít có dự án nhà ở thương mại.

"Vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, diện tích đất điều tiết không đủ diện tích tối thiểu để đầu tư được một khối NƠXH độc lập đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành. Thiếu kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng lớn của thành phố để thu hút đối tượng NƠXH đến ở. Không phát huy được sự chủ động, linh hoạt của địa phương trong việc quản lý, bố trí quỹ đất NƠXH nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉ tiêu dân số, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đảm bảo an sinh xã hội" - báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu rõ.

Ngoài ra, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện việc dành quỹ đất 20% NƠXH theo hình thức đối phó. Phần diện tích nhà ở thương mại thì được triển khai xây dựng nhanh để bán thu được lợi nhuận, còn phần diện tích nhà ở xã hội thì kéo dài công tác bồi thường hoặc chậm triển khai, dẫn đến các mục tiêu phát triển NƠXH của Nhà nước không thực hiện được.

Cần rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trong đầu tư nhà ở xã hội

Để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác phát triển NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân, mới đây Sở Xây dựng đã kiến nghị TP cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.

Trước mắt là lập kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH đến năm 2030 trên địa bàn để thực hiện đề án của Chính phủ về “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Thành phố cũng cần khẩn trương hoàn thành việc lập và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó có quy hoạch xây dựng NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân.

Về quy trình thủ tục, Sở Xây dựng TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Từ cơ sở đó, các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Đầu năm 2024, lãnh đạo TPHCM cũng giao Sở Xây dựng chủ trì làm việc với một số chủ đầu tư NƠXH trên địa bàn thành phố để rà soát các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Sở Xây dựng phải báo cáo, tham mưu đề xuất UBND TP hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong quý I/2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn