MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn căn hộ nhà tái định cư đã được xây xong từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn 5.300 căn không có người ở. Ảnh: Duy Quang

Nhà tái định cư "ế ẩm", cần giải pháp hợp lý hơn

Gia Miêu LDO | 15/05/2021 15:44

Một nghịch lý là nhiều hộ thuộc diện tái định cư vẫn đang loay hoay với bài toán an cư thì có những dự án nhà tái định cư xây xong rồi… để đấy, bán đấu giá mòn mỏi không ai mua.

Nhà tái định cư bán mãi vẫn ế

UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TPHCM phê duyệt giá khởi điểm 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4ha phường Bình Khánh, Thành phố Thủ Đức.

Đây là số căn hộ nằm trong chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm đã để hoang mấy năm nay. Đây là số căn hộ tái định cư được TPHCM mang đấu giá từ tháng 2.2018 do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM (thuộc Sở Tư pháp) thực hiện, với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỉ đồng. Tại thời điểm đó, phiên đấu giá thất bại vì không có ai mua. Dự kiến trong đợt đấu giá lần này, mức giá được đề xuất tăng lên 9.900 tỉ đồng.

Nghịch lý ở chỗ, thành phố đang rất cần nguồn cung nhà ở giá rẻ cho người lao động và người có thu nhập thấp. Kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, đang có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bỏ hoang.

Báo cáo kiểm toán “hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TPHCM” vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố đã chỉ ra, TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỉ đồng với hơn một nửa số quỹ nhà đất tái định cư dôi dư. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Cần thay đổi chính sách

Những bất cập xung quanh câu chuyện nhà tái định cư đã được chỉ ra rất nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Việc xây dựng quá nhiều căn hộ nhưng không thể tái định cư được có nhiều nguyên nhân. Trong đó xuất phát điểm từ việc người dân không chấp nhận tái định cư, bởi chung cư ở quá xa, hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc nhiều lần bán đấu giá không thành công những căn hộ tái định cư trên là do chính sách chưa hợp lý.

Việc TPHCM bán đấu giá nhiều lần nhưng không có doanh nghiệp tham gia đấu giá là vì giá căn hộ đưa ra quá cao so với giá trị thực tế. Cụ thể, với 3.790 căn hộ tái định cư được chào bán giá 9.900 tỉ đồng, nghĩa là mỗi căn hộ có giá hơn 2,6 tỉ đồng. Trong khi đó, chất lượng nhà tái định cư khá thấp, thiết kế căn hộ chỉ hơn 70 m2.

Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi thì đều cho rằng chi phí bỏ ra sau khi mua số lượng căn hộ này cũng không hề nhỏ. Nếu doanh nghiệp mua sỉ, với giá mua đã là hơn 2,6 tỉ đồng/căn, để bán được hàng, doanh nghiệp phải làm lại thiết kế căn hộ, tu sửa lại toàn bộ dự án, xây dựng thêm tiện ích nội khu. Khi đó, giá bán có thể phải tăng lên khoảng gần 4 tỉ đồng/căn hộ, dù dự án vẫn mang tên nhà tái định cư.

Do bỏ hoang nhiều nên chi phí sửa chữa cho các căn hộ này để có thể đem ra bán không hề nhỏ. Ảnh: Duy Quang

Như vậy, doanh nghiệp sẽ không thể nào bán được sản phẩm nhà tái định cư này khi mua đấu giá. Ngoài ra, trong số 3.790 căn sẽ có căn xấu bán giá thấp, căn đẹp mới bán được giá cao. Nhưng TP.HCM bán đấu giá đồng giá như trên thì doanh nghiệp lại càng khó bán hàng, ông Nguyễn Văn Dũng Giám đốc Công ty BĐS Trường Phát Holdings đưa ra phân tích.

Đặc biệt, dưới góc độ doanh nghiệp và tâm lý khách hàng, mọi người rất ngại mua nhà tái định cư vì lâu nay, những dự án này chất lượng thường không bảo đảm và giá khởi điểm không tương xứng, muốn thu hút thì phải kiểm định lại chất lượng lần nữa và bán giá thấp thì mới có thể tiêu thụ được những căn hộ này.

Việc TPHCM mang hàng nghìn căn tái định cư ra đấu giá sẽ giúp tăng thêm một lượng lớn nguồn cung căn hộ, song cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp là lượng căn hộ mang ra đấu giá quá lớn, sẽ không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính tham gia mặc dù rất quan tâm.

Để giải quyết tình này, nhiều doanh nghiệp cho rằng thay vì chia theo 1 - 2 gói thầu lớn, thì thành phố nên chia theo nhiều gói thầu nhỏ để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn