MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều hạng mục ở các khu tái định cư đã xuống cấp. Ảnh: Lan Nhi

Nhà tái định cư xuống cấp nghiêm trọng vì thiếu kinh phí bảo trì

Cao Nguyên LDO | 08/09/2023 16:17

Không chỉ bất cập trong quản lý, vận hành mà hiện tại nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề này gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân đồng thời làm mất mỹ quan đô thị.

Nhiều nhà tái định cư xuống cấp

Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn Thành phố Hà Nội có khoảng 200 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cuộc sống người dân ở một số khu nhà tái định cư liên tục gặp sự cố do chất lượng nhà không như kỳ vọng.

Khu nhà tái định cư 6 tầng A1 và A2 Phú Thượng, quận Tây

Hồ hiện đã cũ kỹ với nhiều vị trí ẩm mốc, thấm dột, điều kiện sống không được đáp ứng. Một số người dân ở đây cho biết, 2 tòa nhà được xây từ năm 2005 nhưng phải đến năm 2021 mới được đưa vào sử dụng nên khu nhà tái định cư xuống cấp và hoang hóa là điều không thể tránh khỏi.

Tương tự, khu nhà tái định cư ở khu đô thị thành phố giao lưu - quận Bắc Từ Liêm gồm 3 khối nhà CT1 A, B, C được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Đến nay, các khối nhà tái định cư xuống cấp theo thời gian nhưng vẫn chưa có các biện pháp tu bổ, bảo dưỡng.

Anh Đức Vinh ở tòa CT1 C cho biết, lúc mới chuyển về đây, nhiều người không về ở vì chất lượng xây dựng quá kém, liên tục xảy ra tình trạng thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước, khi xuống tầng hầm thì phải "đeo khẩu trang" vì mùi hôi thối, thậm chí phải đi giày, đi ủng vì nước và chất thải lênh láng.

Hay khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2010… Khu nhà tọa lạc ở vị trí đất vàng trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhưng chỉ thời gian ngắn sau bàn giao, toàn bộ khuôn viên, thang máy, tường, móng, nền bong tróc, nứt...

Số phận 10 tòa nhà tại khu tái định cư Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý có phần còn “bi đát” hơn. Khu tái định cư này được đưa vào sử dụng năm 2006. Đến nay, tất cả các tòa nhà đều trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều tòa nhà thường xuyên chỉ sử dụng được duy nhất 1 thang máy...

Theo những người dân ở đây, trong số 10 tòa nhà thuộc khu này, chỉ có tòa N1 thành lập được ban quản trị. Điều đáng nói, các tòa nhà đều đã tiêu sạch quỹ bảo trì, không có nguồn thu, trong khi các hạng mục đều xuống cấp.

Chờ bố trí kinh phí

Trước thực trạng trên, đầu tháng 6.2023, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư.

Bên cạnh đó, sở này cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư.

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp cho rằng, cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để nhanh chóng khơi thông nguồn kinh phí bảo trì.

Một vị lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, từ năm 2020 đến nay, do phát sinh việc diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính nên công ty không còn nguồn thu thực hiện công tác bảo trì nhà tái định cư.

Ông Nguyễn Đắc Thảo - Phó Giám đốc Ban quản lý các Công trình nhà ở và công sở - cho biết, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ và công tác bảo trì tại 32 tòa nhà tái định cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ từ Handico và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội từ năm 2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ban chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán bố trí vốn để thực hiện nên không có đủ cơ sở pháp lý tổ chức việc bảo trì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn