MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc quản lý các chung cư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn nhiều tồn tại, bất cập. Ảnh: Hữu Long

Nhiều bất cập, xung đột lợi ích giữa cư dân và chủ đầu tư các chung cư Khánh Hòa

Hữu Long LDO | 27/03/2024 09:30

Việc quản lý các chung cư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập như chậm tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không thành lập Ban Quản trị. Thậm chí có tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì không đúng mục đích, gây tranh chấp với cư dân và Ban quản trị.

Tồn tại nhiều bất cập

Nhiều chung cư trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nhưng chưa tổ chức thanh lập Ban Quản trị và tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Có thể kể tên một số chung cư đã đã tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu nhưng chưa thành lập được Ban quản trị là chung cư xã hội SSH-07, chung cư xã hội SSH-08.

Ngoài ra, có 4 chung cư chưa tổ chức được Hội nghị nhà chung cư lần đầu là chung cư Mường Thanh Grand, chung cư CT9-Vĩnh Điềm Trung, chung cư CT1-KĐT VCN Phước Long và chung cư CT2- KĐT VCN Phước Long.

Theo nhiều cư dân sống tại các chung cư này, Hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như bầu, bãi miễn các thành viên Ban quản trị nhà chung cư; nội quy quản lý... Thế nhưng trong thực tế, việc chưa thành lập Hội nghị nhà chung cư khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng.

Anh Cao (tên đã thay đổi) - sống tại chung cư ở TP Nha Trang chia sẻ, việc một số chung cư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư khiến người dân khó tham gia giám sát công tác vận hành và sử dụng kinh phí bảo trì của cư dân...

Như trường hợp chung cư Napoleon Castle I, chung cư Scenia Bay Residence, chung cư Hoàng Quân, chung cư Bình Phú, chung cư 312 Dã Tượng, chung cư Sông Đà. Những chung cư này đến nay chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Tương tự, chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua của chủ đầu tư (như, chung cư Scenia Bay Residence, chung cư HỌC Nha Trang, chung cư Sông Đà, chung cư Napoleon Castle I, chung cư Bình Phú…

Có tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì

Tại các buổi làm việc vào tháng 2.2024, ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa - cho biết, sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực quy định rõ chi phí bảo trì trong quá trình mua bán căn hộ, chủ đầu tư phải mở một tài khoản và nộp vào đó. Thế nhưng hầu hết chủ đầu tư đều chiếm dụng.

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đánh giá, tình trạng tranh chấp trong quản lý, vận hành, bàn giao kinh phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, riêng trong nhà chung cư diễn ra ở nhiều chung cư chậm được giải quyết; một số tranh chấp diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và tiềm ẩn nguy cơ tạo thành các điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là tại thành phố Nha Trang.

Bà Phạm Thị Xuân Trang cho biết, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, có văn bản và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc áp dụng thủ tục cưỡng chế liên quan đến tranh chấp kinh phí bảo trì đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm bàn giao kinh trí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư; xem xét, nghiên cứu chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp giữa một số cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền cấp cơ sở với ban quản trị nhà chung cư, nhằm tạo điều kiện cho ban quản trị thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đối với việc quản lý, vận hành chung cư...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn