MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nhiều đại gia bất động sản tìm đến M&A trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền

ANH HUY LDO | 03/04/2023 07:11

Hoạt động rao bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) hay còn gọi là M&A đang được xem là giải pháp cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền.

Kể từ năm 2022, hàng loạt các diễn biến như kiểm soát chặt tín dụng BĐS, áp lực đáo hạn trái phiếu đã khiến cộng đồng doanh nghiệp BĐS gặp khó về dòng vốn.

Để có thể duy trì hoạt động, tái đầu tư, các doanh nghiệp lĩnh vực này phải chọn giải pháp cơ cấu lại danh mục sản phẩm, chuyển nhượng các dự án.

Đây là tiền đề thúc đẩy thị trường M&A từng bước trỗi dậy và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.  

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, khi thị trường địa ốc không được bơm vốm, các hoạt động rao bán, chuyển nhượng sẽ được xem là một giải pháp quan trọng về dòng tiền để cứu cánh cho các doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh hiện nay, khơi thông nguồn vốn là yếu tố quan trọng để hồi phục thị trường BĐS, duy trì sự sống của các doanh nghiệp. Vì vậy, M&A đang là lựa chọn khả dĩ nhất trong tất cả các kênh”, ông Phong nhận định.

Cùng quan điểm, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - cho rằng, nền kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, nằm trong guồng quay này, thị trường BĐS cũng sẽ chịu nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền.

Trong khi đó, BĐS lại là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn, nhưng các quy định về tín dụng cho lĩnh vực này chưa có nhiều thay đổi. Do đó, việc kêu gọi vốn qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư hướng đến.

Thực tế cũng cho thấy, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, hoạt động rao bán các dự án lớn đang diễn ra sôi nổi.

 Hoạt động rao bán, chuyển nhượng BĐS đang được xem là giải pháp cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền. Ảnh: Cao Nguyên.

Tại TP Hồ Chí Minh, một dự án thương mại dịch vụ, văn phòng có vị trí mặt tiền đường Kinh Dương Vương và Lê Tuấn Mậu thuộc phường 13 (quận 6, TP Hồ Chí Minh) với diện tích 4.372,5m2 đang được rao bán với giá 306 tỉ đồng.

Một quỹ đất thuộc đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP Hồ Chí Minh) với quy mô hơn 5.000m2 cũng đang được rao bán với giá 570 tỉ đồng.

Tại Long An, một dự án 2ha kho xưởng, nhà máy sản xuất có vị trí mặt đường DT823, thuộc cụm Công nghiệp Hòa Khánh Tây đang có giá chuyển nhượng là 75 tỉ đồng.

Hay mới đây, đại gia Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình - cũng thông báo đang rao bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake (quận Ba Đình, Hà Nội) với giá khởi điểm 250 triệu USD.

Theo doanh nghiệp này, đã có một số nhà đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ, UAE quan tâm đàm phán giá và các điều kiện mua lại.

Theo giới chuyên gia, sự sôi động của thị trường M&A là sẽ mang đến nhiều điều tích cực cho thị trường BĐS Việt Nam như giúp các dự án đang gặp khó về nguồn vốn được hồi sinh, giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường, thúc đẩy thị trường hồi phục và từng bước ổn định trở lại. 

Tuy nhiên, đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp tham gia cuộc chơi này, giới chuyên gia cho rằng, cả bên bán và bên mua cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Đặc biệt là với bên mua.

Bởi khi nghĩ đến việc mua bán - sáp nhập, doanh nghiệp không chỉ phải lo về dòng tiền mà còn nhiều vấn đề xoay quanh đến năng lực, khả năng quản lý, điều hành.

“Để thâu tóm một dự án mang lại hiệu quả, doanh nghiệp thâu tóm phải có kinh nghiệm, bản lĩnh giải quyết các vướng mắc phát sinh hậu M&A thì mới nên nghĩ đến việc tham gia thị trường M&A”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn