MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất như Bắc Giang, Hà Nội... đã xuất hiện tình trạng đấu giá đất bỏ cọc. Ảnh minh họa: VGP

Nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc tràn lan

Thu Giang LDO | 15/11/2023 17:35

Nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất như Bắc Giang, Hà Nội... gần đây đã xuất hiện tình trạng trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Chi Cục Thuế tỉnh Bắc Giang thông tin, 10 tháng năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô. Tổng số tiền thu sử dụng đất toàn tỉnh đạt 3.870 tỉ đồng, bằng gần 65% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, qua rà soát, đến nay có 90 lô trúng đấu giá tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) dù đến hạn nộp tiền nhưng khách hàng đã bỏ cọc. Tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô là hơn 88,3 tỉ đồng, số tiền bỏ cọc gần 10 tỉ đồng.

Trao đổi với Lao Động ngày 15.11, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề cập, trước tình trạng người trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc trong thời gian vừa qua, đơn vị các cấp cũng đang tiến hành rà soát, làm theo quy trình để đấu giá các lô đất này lại từ đầu.

Ngăn hàng loạt nhà đầu tư trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc. Ảnh: Anh Huy

Tìm hiểu của PV Lao Động, đây không phải là lần đầu ở tỉnh Bắc Giang xảy ra tình trạng bỏ cọc đấu giá đất. Trước đó, trong hai năm (2020 - 2021), trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, trong đó số lô đấu thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471.

Tương tự, UBND huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) thông tin, trong năm 2023, đơn vị đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19 trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền tương ứng là 25,52 tỉ đồng.

Hay hồi đầu năm 2022, Trung tâm quỹ đất huyện Mê Linh (Hà Nội) cũng phải hủy bỏ kết quả đấu giá gần 20 thửa do người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, số tiền nhà đầu tư bỏ cọc trên địa bàn huyện khoảng 60 tỉ đồng.

Trước những vấn đề tồn tại nêu trên, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định phải đóng trước tiền cọc 20% tổng giá trị lô đất, được xem là một giải pháp kịp thời và kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thổi giá đất đấu giá và bỏ cọc.

Theo đó, Nghị định số 10 đã bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.

Nghị định số 10 cũng nêu rõ, việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện như phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật...

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) nhận định, với Nghị định số 10/NĐ-CP ban hành có yêu cầu phải đóng trước tiền cọc 20% tổng giá trị lô đất sẽ ngăn được việc các nhà đầu tư thổi giá, thiếu tính minh bạch trong các cuộc đấu giá, không gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn