MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều địa chỉ nhà, đất, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp công ích, được UBND huyện Củ Chi, TP.HCM cho thuê nhưng không qua hình thức đấu giá. Ảnh: Kiều Ngân

Nhiều sai phạm trong quản lý đất công ở hai huyện Củ Chi và Bình Chánh

Gia Miêu LDO | 12/05/2020 18:21

Thanh tra TPHCM vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý tài sản đất công cũng như việc trích các khoản tiền thu  được từ nguồn cho thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước tại hai huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Tại địa bàn huyện Củ Chi, qua thanh tra cho thấy có 81 địa chỉ cho thuê (chủ yếu là đất nông nghiệp công ích) tại UBND các xã Phú Mỹ Hưng, Phước Thạnh, Phú Hoà Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Bình Mỹ, Thái Mỹ, không thông qua đấu giá theo quy định.

Đối với việc quản lý, sử dụng, cho thuê 371 địa chỉ nhà, đất đang để trống, cho thuê không qua đấu giá, đang tranh chấp hoặc chưa rõ pháp lý, Thanh tra TPHCM đề nghị huyện Củ Chi rà soát để đề xuất UBND Thành phố có phương án xử lý, sắp xếp phù hợp, tránh lãng phí và tăng nguồn thu cho ngân sách. 

Tại Công ty Công ích huyện Củ Chi, đơn vị này đã trích 40% tiền thu được từ việc cho thuê nhà sở hữu Nhà nước năm 2011 và 2012 với tổng số tiền 272,6 triệu đồng. Tuy nhiên, tại đơn vị không phát sinh các chi phí liên quan đến công tác quản lý hay sửa chữa nhà cho thuê trong thời gian trên.

Do đó, Thanh tra TPHCM đề nghị thu hồi số tiền này nộp ngân sách. Ngoài ra, Công ty Công ích huyện Củ Chi còn thiếu sót trong việc không lập dự toán các khoản thu – chi từ nguồn thu cho thuê nhà sở hữu Nhà nước. Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như nói trên, Chủ tịch UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND huyện Củ Chi tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong tập thể lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và các tập thể, cá nhân liên quan. 

Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, qua thanh tra, Thanh tra TPHCM cũng xác định việc quản lý, sử dụng mặt bằng nhà, đất tại UBND huyện Bình Chánh chưa chặt chẽ, rà soát, kê khai chưa đầy đủ các địa chỉ nhà, đất để trình UBND Thành phố phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà, đất. 

Qua kiểm tra hiện trạng 25 địa chỉ thì có 6 nhà đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Đơn cử như Trung tâm Văn hoá liên xã tại xã Tân Nhựt để người dân vào xây nhà tạm; cho thuê mặt bằng tại Trung tâm Văn hoá – Thể dục thể thao huyện; không sử dụng Trường Mầm non Hoa Hồng – Tuổi thơ 8...

Tại Trung tâm Văn hoá – Thể dục thể thao, huyện thực hiện ký 7 hợp đồng liên kết với các đơn vị (thực chất là cho thuê mặt bằng) khi chưa xin ý kiến UBND Thành phố, chưa đúng quy định về sử dụng tài sản Nhà nước, chưa tổ chức đấu giá để định giá cho thuê.

Tổng số tiền huyện thu được từ tháng 1.2017 đến tháng 9.2019 là gần 940 triệu đồng. Theo giải trình của huyện Bình Chánh, số tiền này đã chi hết để phục vụ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao của huyện cũng như các hoạt động khác, có ghi nhận trong sổ sách kế toán và hiện Trung tâm văn hoá không có khả năng hoàn trả. Thanh tra TPHCM thống nhất không thu hồi khoản tiền này và yêu cầu Trung tâm văn hoá huyện chấm dứt việc cho thuê trái quy định.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh (Công ty DVCI Bình Chánh), đơn vị được giao quản lý cho thuê và bán hoá giá tài sản của Nhà nước trên địa bàn huyện, nhưng việc theo dõi chưa chặt chẽ. Quá trình bán hoá giá 9 căn nhà, Công ty DVCI Bình Chánh cũng chưa tuân thủ nghiêm quy trình như chưa có biên bản thanh lý hợp đồng mua bán nhà hoá giá đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà với 7 căn; lập thủ tục hoá giá 1 căn nhà từ năm 2017 nhưng đến nay chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi chủ hộ đã hoàn tất thanh toán. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn