MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Những điều cần lưu ý khi nhà đất để lại làm di sản thờ cúng

Hiếu Anh LDO | 13/10/2022 09:20

Nhiều người có mong muốn khi chết sẽ để lại nhà ở làm di sản thờ cúng. Vậy vấn đề này được quy định như thế nào trong luật?

Bà Nguyễn Thị Thiềm ở Hà Nội băn khoăn, bà sinh được 3 người con gái. Tất cả các con của bà đã lớn lập gia đình và có tài sản riêng. Hiện nay, bà Thiềm tuổi đã cao. Bà mong muốn để lại nhà đất đang ở cho tất cả các con sau khi chết làm nơi thờ cúng có được không?

Trao đổi vấn đề này, Luật sư Trịnh Thị Toan, Văn phòng Luật sư Lê Quốc Hiền cho biết, Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Nhiều người mong muốn khi chết để lại cơ sở nhà đất làm di sản thờ cúng.

 Như vậy, theo quy định của pháp luật tài sản thừa kế chỉ được làm di sản thờ cúng khi có di chúc hợp pháp của người chủ tài sản. Do đó, khi xác định đây là tài sản của bà Thiềm, bà Thiềm có quyền lập di chúc để lại nhà đất này dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, bà Thiềm cần cân nhắc kỹ việc chỉ định người trực tiếp quản lý di sản thờ cúng (tốt nhất nên trao đổi trước với người được chỉ định trực tiếp quản lý di sản thờ cúng) tránh phát sinh các trường hợp pháp lý sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn