MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh Duy Quang.

Những kiến nghị “hóa giải” doanh nghiệp không bỏ cọc đấu giá đất

CAO NGUYÊN LDO | 07/03/2022 11:56

Thời gian qua có nhiều vụ trúng đấu giá đất cao sau bỏ cọc được dư luận quan tâm và buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc. Để hạn chế tình trạng này, mới đây Viện nghiên cứu phát triển TPHCM kiến nghị nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc sẽ không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm.

Cấm doanh nghiệp làm dự án 2 năm

Đấu giá đất nhằm tạo sự bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận nguồn lực đất đai, hạn chế cơ chế xin cho và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều vụ đấu giá cao rồi bỏ cọc dễ gây nhiễu loạn thị trường. Vậy cần giải pháp cụ thể nào để phát huy hiệu quả công cụ đấu giá quyền sử dụng đất.

Mới đây nhất, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM có một số kiến nghị đến UBND Thành phố nhằm hoàn thiện các quy định về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư của các dự án đầu tư có sử dụng đất nói chung và tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.

Theo Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý trong các lĩnh vực liên quan sau vụ việc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Các chuyên gia cho rằng, về phương thức đấu giá, ngoài việc tổ chức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại buổi đấu giá thì cần xem xét áp dụng các hình thức khác như đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu gián tiếp.

Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, cần rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác định năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá đất, nhất là năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự.

Ngoài ra, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đề xuất UBND TPHCM xem xét, kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM được chủ động xác định giá khởi điểm đấu giá; được ấn định tỷ lệ đặt cọc, ký quỹ cho lô đất cần đấu giá.

Bổ sung các quy định để chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá như phải kê khai các dự án đang triển khai, kinh nghiệm tham gia đấu giá, năng lực điều hành, báo cáo tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Cần điều chỉnh các biện pháp chế tài như thông báo công khai về hành vi bỏ cọc của doanh nghiệp, không được phép tham gia đầu tư dự án trong vòng 2 năm nếu doanh nghiệp có hành vi bỏ cọc.

Tăng mức phạt

PGS-TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đúng là hệ thống pháp luật của chúng ta đã có cơ chế. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra ở đây, chính là với hệ thống như vậy, khi áp dụng vào thực tế, thì có hiệu quả hay không.

Tại sao cơ chế đầy đủ rồi, nhưng khi áp dụng lại không thể đạt được những mục đích của việc tổ chức đấu giá. Doanh nghiệp đấu giá cao, nhưng nhà nước về cơ bản chỉ thu được tiền cọc.

“Nhân dịp này, chúng ta cần phải rà soát lại, nếu quy định nào chưa phù hợp, thì sửa đổi, bổ sung. Nếu không làm sớm, thì chắc chắn, những câu chuyện như vậy sẽ còn tái diễn. Cụ thể, hiện tại quy định về giá đất trong luật đất đai có những bất cập, mà tôi cho rằng là điểm trừ lớn, trong đó bao gồm hình thức quy định giá đất”, ông Tuyến nhấn mạnh.

PGS TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong khi đó, TS. Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp nói, cần phải khẳng định lại rằng, pháp luật không cấm việc doanh nghiệp bỏ cọc, chấm dứt hợp đồng. Các bên có quyền ký, và có quyền hủy. Hiện tại, theo pháp luật, chúng ta đã có những cơ chế, chế tài để xử lý việc này.

Tuy nhiên, theo Huệ các quy định còn nhiều hạn chế, chưa bám sát với thực tế. Trong thời gian sắp tới, cần tăng cường nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phạt nghiêm khắc hơn về kinh tế.

“Nếu việc doanh nghiệp mất tiền cọc là không đủ, thì theo tôi, cần phải bổ sung việc phạt hành chính theo phần trăm trên hợp đồng đã ký, giá đã trúng đấu giá (khoảng 10%)”, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn