MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh họp báo (Ảnh: V.Thúy)

Việt Nam là 1 trong 19 nước thiếu i ốt tồi tệ nhất thế giới

Thùy Linh LDO | 25/05/2018 19:28
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị gặp mặt cộng tác viên báo chí nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng, diễn ra chiều 25.5 tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. 

GS-TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Việt Nam là nước nằm trong khu vực thiếu i-ốt. Các nghiên cứu ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương giai đoạn 2000-2010 chỉ rõ các thực phẩm từ nuôi trồng tự nhiên ở các vùng miền trong nước đều có hàm lượng i-ốt không đáng kể, không thể đáp ứng nhu cầu cơ thể. Điều đó khẳng định i-ốt hóa muối ăn là giải pháp chiến lược của toàn cầu cũng như giải pháp của Việt Nam.

Các nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2010 cũng cho thấy, chỉ có 6% số người được hỏi dùng duy nhất gia vị mặn là muối i-ốt; còn lại 75% sử dụng gia vị mặn từ các sản phẩm chế biến có muối như nước mắm, nước tương, bột canh…

“Đây là cơ sở quan trọng cho Việt Nam áp dụng khuyến nghị hiện hành của Tổ chức Y tế thế giới, Mạng lưới toàn cầu về dinh dưỡng i-ốt yêu cầu bắt buộc muối để người ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến mọi loại thực phẩm, kể cả muối dùng cho chăn nuôi gia súc phải là muối trộn i-ốt”, TS. Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.

Cùng với việc sụt giảm độ bao phủ muối i-ốt trên toàn quốc, năm 2013-2014, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiến hành điều tra tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi toàn quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ bướu cổ là 9,8%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong khoảng thời gian 10 năm qua, trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà chúng ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi dưới 5% và mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.

Báo cáo của mạng lưới i-ốt toàn cầu, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt i-ốt đã quay trở lại Việt Nam

“Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và công bố cho biết không có thay đổi hữu cơ đáng kể nào với sản phẩm được sản xuất với muối bổ sung i-ốt (màu sắc, hương vị, cấu trúc). Ngoài ra, ít nhất 100 quốc gia yêu cầu sử dụng muối i-ốt để chế biến thực phẩm mà không ảnh hưởng tiêu cực đến các sản phẩm cuối cùng”, TS. Tuyên cho biết.

Bà Đỗ Hồng Phương, Chuyên gia Chính sách dinh dưỡng của UNICEF khuyến cáo: Thiếu i-ốt làm giảm khả năng tư duy, năng suất lao động, suy tuyến giáp và gây ra bệnh bướu cổ. Phụ nữ mang thai nếu thiếu i-ốt dễ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh nếu thiếu i-ốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong. Trẻ nhỏ nếu thiếu i-ốt sẽ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, và suy dinh dưỡng...

Sử dụng gia vị bổ sung i-ốt trong nấu ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt hiệu quả và bền vững. Hiện trên thế giới đã có 130 quốc gia quy định bắt buộc bổ sung; 69 quốc gia (53%) yêu cầu sử dụng muối i-ốt cho thực phẩm chế biến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn