MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một ngôi nhà 3 cạnh trên đường Tố Hữu, phía mặt đường là hầm chui Lê Văn Lương. Ảnh: Hữu Chánh

Những ngôi nhà có hình dạng kỳ dị giữa Thủ đô

HỮU CHÁNH LDO | 13/03/2023 06:00

Hà Nội - Những ngôi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng, siêu méo đang có xu hướng ngày càng tăng lên qua các năm, làm méo mó quy hoạch đô thị ở Thủ đô.

Theo ghi nhận của Lao Động, thực trạng này tiếp tục tái diễn sau khi dự án tuyến đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, Hà Nội được thực hiện. Đến nay dự án này đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt là đoạn đường Trường Chinh, một số công trình được xây dựng lên với chiều sâu chưa đến 1m.

 Mặt tiền của công trình này dài khoảng 10m nhưng chiều sâu chỉ khoảng gần 1m. Ảnh: Hữu Chánh

Đơn cử như là công trình siêu mỏng tại địa chỉ số 218 Trường Chinh. Mặt tiền của công trình này dài khoảng 10m nhưng chiều sâu chỉ khoảng từ 70cm đến 1m, được chia thành 4 kiot với các kích thước khác nhau.

Chiều sâu của công trình chỉ khoảng 70cm đến 1m. Ảnh: Hữu Chánh

Theo người dân, sau khi mua lại từ chủ cũ, chủ mới đã tiến hành xây dựng và chia thành những ô nhỏ để cho thuê, sau khi thoả thuận trao đổi mua bán với nhà liền kề đằng sau không thành công.

Còn tại phố Minh Khai, nhiều căn nhà có diện tích chỉ khoảng 10m2, chiều sâu chỉ khoảng 2-3m cũng đã được chủ nhà hoàn thiện và cho thuê lại để kinh doanh, buôn bán.

Đầu ngõ 256 Minh Khai, một căn nhà hình tam giác đã hình thành, cạnh đó là căn nhà với mặt tiền chỉ vài m2. Ảnh: Hữu Chánh

Bà Nguyễn Thị Huệ (62 tuổi, Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho hay, giá mỗi mét vuông đất mặt đường ở đây dao động khoảng 300 triệu đồng, giá cho thuê cũng lên đến vài triệu đồng/m2.

"Nhiều nhà trong ngõ khi ra mặt đường đã tận dụng, xây lên bằng nhiều cách mặc dù chỉ còn một khoảng đất có diện tích rất nhỏ", bà Huệ nói.

 Một cửa hàng có hình dạng méo mó trên phố Minh Khai. Ảnh: Hữu Chánh
Căn nhà hình tam giác ở đầu ngõ Hòa Bình 7 do người dân chủ động xây dựng trên phần đất còn lại. Ảnh: Hữu Chánh
Một số công trình xập xệ, xuống cấp sau giải phóng mặt bằng. Ảnh: Hữu Chánh

Ngoài ra, dọc tuyến đường Minh Khai, Đại La có nhiều lô đất chỉ khoảng 3-4m2 vẫn đang bỏ không được quây lại bằng rào tôn, một số thì được cho thuê để bán hàng nước.

Cũng theo ghi nhận, có nhiều căn nhà trên trục đường này chỉ có chiều rộng khoảng 2m nhưng chiều dài lại lên tới hàng chục mét. 

Người dân trong khu vực cho biết, nhiều ngôi nhà được các gia đình xây dựng có hình dạng méo mó nhưng đây là mảnh đất có diện tích trên 30m2. Sau khi giao một phần đất cho nhà nước để mở rộng đường, gia đình còn bao nhiêu đất thì xây như vậy.

Một ngôi nhà 3 cạnh trên đường Tố Hữu. Ảnh: Hữu Chánh

Thực trạng này đã tái diễn nhiều lần nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Gần đây nhất là những công trình trên đường Tố Hữu nằm trong dự án xây dựng hầm chui Tố Hữu - Lê Văn Lương hay nhiều ngôi nhà đường Phạm Văn Đồng cũng có hình thù kỳ dị như hình thang, đa giác, tam giác…

Một ô đất được rào chắn ở phố Minh Khai. Hữu Chánh
 Một diện tích đất có kích thước rộng 2,5m, sâu 1,5m được kê bàn ghế. Ảnh: Hữu Chánh

Dù Hà Nội đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, trong đó kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chưa được giải quyết triệt để mà đang tăng lên qua các năm.

Những ngôi nhà có mặt tiền khoảng 2m, nhưng chiều sâu khoảng 10-20m. Ảnh: Hữu Chánh 
Một số công trình sau khi giải phóng mặt bằng vẫn không tu sửa. Ảnh: Hữu Chánh 

Có thể thấy, hàng loạt tuyến đường mới đi vào hoạt động đã giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng việc xuất hiện nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng mà còn làm méo mó quy hoạch đô thị ở Thủ đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn