MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường bất động sản ở Bình Dương trầm lắng suốt một năm qua. Ảnh: Đình Trọng

Nỗ lực “phá băng”, thị trường bất động sản ở Bình Dương vẫn gặp khó

Đình Trọng LDO | 24/08/2023 15:14

Những tháng gần đây, tỉnh Bình Dương đã tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp và thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng đến nay thị trường bất động sản vẫn chưa được "phá băng".

Nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản

Theo thống kê, thời gian qua, có khoảng 30 dự án bất động sản ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn, thủ tục đầu tư xây dựng kinh doanh, thủ tục về đất đai, đền bù giải tỏa mặt bằng... Những vấn đề này khiến tiến độ các dự án bị chững lại, nhiều dự án gần như giậm chân tại chỗ. Thị trường đất nền nhiều nơi cũng không thể giao dịch do người mua khó tiếp cận vốn vay.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong bối cảnh trên, tỉnh đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản. Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành cũng có cuộc tiếp xúc chung đối với doanh nghiệp bất động sản và với các dự án lớn tiến độ chậm kéo dài, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn khảo sát và lắng nghe kiến nghị từ doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện Sở Xây dựng tỉnh cho biết, tỉnh đã rà soát quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đấu thầu dự án bất động sản. Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục xác định giá đất cụ thể để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, thủ tục nộp thuế vào ngân sách.

Về vốn, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc gặp đề nghị các ngân hàng thương mại giảm thủ tục hành chính, tăng cường số hóa để cung ứng vốn tín dụng kịp thời cho nền kinh tế, cho vay, giải ngân nhanh chóng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp...

Thị trường vẫn chưa ấm lại

Theo ghi nhận, huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát, thành phố Tân Uyên là các địa phương có nhiều sản phẩm đất nền. Hơn 1 năm nay, không khí ở các văn phòng công chứng không còn sôi động được như thời gian trước.

Thị xã Bến Cát còn hàng ngàn sản phẩm đất nền chưa xây dựng. Nhiều nền đất 150m2 trước đây có giá từ 1,8-2,2 tỉ đồng/nền, nay giảm xuống còn 1,3-1,8 tỉ đồng nhưng bán không được.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Văn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho biết, đối với phân khúc đất nền riêng lẻ và đất nền tại các dự án cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng để người dân tự xây dựng: số lượng giao dịch và mức giá giao dịch theo khảo sát có xu hướng giảm từ quý III/2022. Đồng thời, nguồn cung từ dự án mới không có.

Về lượng tồn kho (tính các dự án sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh) có xu hướng tăng. Ghi nhận đến cuối năm 2022, còn khoảng 1.597 căn.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đối với phân khúc căn hộ chung cư tại các thành phố: Thuận An, Thủ Dầu Một, thị trường căn hộ đã có dấu hiệu bão hòa. Về mặt giá không còn xu hướng tăng nhanh và dần ổn định, giao dịch chậm. Chỉ riêng tại thành phố Dĩ An nhu cầu mức độ quan tâm về nhà ở chung cư vẫn cao, do nguồn cung mới về dự án nhà ở liền kề tại Dĩ An rất ít, hầu như không có dự án mới.

Khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ

Bình Dương là tỉnh đông lao động nhập cư, đa số còn đi ở trọ mong muốn tiếp cận với phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các căn hộ ở dự án do Nhà nước xây dựng với diện tích từ 30-45m2 có giá từ 150-450 triệu đồng đã không còn nguồn hàng. Trong khi đó, một số dự án do tư nhân xây dựng thì giá lại quá cao, thấp nhất từ 700 triệu đồng căn hộ 38m2 và cao nhất khoảng 1,8 tỉ đồng/căn 60m2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn