MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những căn chung cư có diện tích nhỏ được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Cao Nguyên

Nở rộ nhu cầu mua nhà cho con ở khi học đại học

Anh Huy LDO | 21/09/2022 08:30

Những ngày gần đây nhu cầu tìm nhà ở, phòng trọ tại một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, TPHCM khá cao do tân sinh viên bắt đầu nhập trường. Ngoài xu hướng tìm nhà trọ, nhiều phụ huynh ở tỉnh lẻ có điều kiện cũng đã mạnh dạn bỏ tiền để mua nhà cho con ở trong thời gian học đại học.

Chi tiền tỉ “tậu nhà” cho con

Đối với nhiều gia đình, việc con được học tập ở những trường đại học tốt, danh tiếng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất, bởi điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội tốt cho tương lai. Tâm lý chung này khiến các gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng chi tiền tỉ để “tậu nhà” cho con học đại học.

Anh Nguyễn Trọng Dân (ở Thạch Hà, Hà Tĩnh) có con gái là Nguyễn Bảo Giang vừa đỗ vào Đại học Thương Mại đã không ngần ngại chi tiền tỉ để mua nhà cho con gái ở thay vì đi ở trọ. Sau mấy ngày nhờ người thân, môi giới thì anh Dân cũng đã chọn được một căn nhà tại một chung cư ở Nam Từ Liêm có diện tích 51m2 gồm 2 phòng ngủ với giá 1,7 tỉ đồng.

Anh Dân nói: “sau khi tìm hiểu các địa điểm gần khu vực của trường con gái học và mặt bằng giá cả chung cư thì tôi lựa chọn căn hộ tại dự án chung cư này. Ở dự án này hiện giá cả cũng phải chăng mà giao thông đến trường của con gái cũng thuận tiện”.

Không có nguồn lực tài chính lớn, sau khi tìm hiểu, chị Bùi Thanh (quê ở Bắc Ninh) quyết định chọn mua căn hộ chung cư mini ở phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để phục vụ cho “công tử bột” của mình vừa đỗ Đại học Xây dựng. 

Theo chị Thanh, dự án chị chọn mua là 1 toà nhà 2 mặt ngõ, gần các tuyến đường chính. Chung cư được xây trên diện tích 300m2, có quy mô 7 tầng, mỗi tầng 5 căn hộ với hệ thống gồm 1 thang bộ và 1 thang máy. Căn hộ chị Thanh quyết định mua có diện tích 52m2 với giá khoảng 1,1 tỉ đồng.

“Tôi mua để phục vụ cho con trai ăn ở trong quá trình học Đại học, thậm chí sau này cháu ra trường vẫn có thể sử dụng mà không phải vất vả tìm kiếm nhà cửa. Mặc dù biết chung cư mini khó được cấp sổ hồng nhưng bản thân không buôn bán hay cần thế chấp ngân hàng nên chả ngại”, chị Thanh chia sẻ thêm.

Bất ngờ lãi tiền tỉ

Có lẽ việc mua nhà để phục vụ con cái trong quá trình học tập thay vì đi thuê trọ không còn xa lạ đối với những người có điều kiện. Thậm chí, với việc mua nhà ở này, sau vài năm nhiều gia đình bất ngờ lãi to vì giá nhà liên tục tăng mạnh.

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Diễm (quê ở Thái Bình), bỏ ra 2,6 tỉ đồng mua một căn nhà trong ngõ tại khu vực Mỹ Đình, để có chỗ cho con học ở Hà Nội. Thời điểm đó, chị cũng không có ý định đầu tư gì, mục đích chính để có nhà cho con ở. 

“Tôi tính toán, một phòng trọ có đầy đủ tiện nghi thuê khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng, cộng thêm phí dịch vụ và tiền tiện cũng khoảng 1 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi tháng mất khoảng 3,5 - 4 triệu đồng, trong 4 năm nguyên chi phí này khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gửi tiết kiệm tôi cũng không dư ra được bao nhiêu”, chị Diễm nói.

Chị Diễm cho rằng, Hà Nội đất chật người đông nên lúc đó không ngần ngại chốt mua một căn nhà có diện tích 42m2, 5 tầng, nằm ở mặt ngõ gần 3m. Mới đây liên tục có môi giới gọi tới muốn mua lại căn nhà của chị Diễm với mức giá 3,5 tỉ đồng. Lúc này, chị Thắm cũng bất ngờ với tiềm năng tăng giá của ngôi nhà.

Anh Nguyễn Hùng - Chủ phòng giao dịch bất động sản tại Nam An Khánh, Hà Nội cho hay, những năm gần đây, từ nhà đất đến chung cư tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh. Nguyên nhân đến từ việc nguồn cung xuống thấp, do vướng mắc pháp lý, quỹ đất khan hiếm, trong khi đó, nhu cầu ở thực ngày càng tăng cao. Theo đó, giá nhà cũ liên tục tăng mạnh ngoài kỳ vọng của chủ sở hữu.

Theo Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân. 

Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn