MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người vay mua nhà lo âu vì lãi suất "nhảy múa". Ảnh: Cao Nguyên.

Nỗi ám ảnh của người mua nhà với lãi suất thả nổi

ANH HUY LDO | 01/07/2023 10:02

Không ít người vay mua nhà đang oằn vai gánh các khoản vay hiện hữu, thậm chí đối diện nguy cơ “bán nhà để cắt nợ” vì hết hạn ưu đãi, lãi suất thả nổi quá cao.

Chia sẻ với Lao Động sáng 1.7, chị Linh Giang cho biết, sau một thời gian tích góp, chị vay thêm tiền ngân hàng để trở thành chủ sở hữu một căn hộ Studio tại khu đô thị Smart City (Hà Nội) từ cuối năm 2019.

Theo lời kể của chị Giang, với chính sách ưu đãi của chủ đầu tư, trong năm đầu lãi suất 0%, đến năm thứ hai lãi suất chị vay mua nhà 8%/năm và các năm tiếp theo lãi suất thả nổi theo thị trường.

“Sau một năm ưu đãi, đến năm thứ hai mỗi tháng tôi phải trả 7,5-8 triệu/đồng cả gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu năm 2022, số tiền đóng trả nợ tiền nhà tăng lên đáng kể là hơn 10 triệu đồng/tháng. Với số tiền gốc và lãi đóng cao khiến vợ chồng chúng tôi chật vật”, chị Giang chia sẻ.

Cũng theo vị này, mặc dù số tiền gốc đã giảm bớt từng năm nhưng vì lãi suất thả nổi nên số tiền phải đóng cao hơn trước đây. Để có chỗ ở ổn định nên đành chấp nhận và cố để kiếm tiền trả, nếu công việc gián đoạn sẽ phải tính đến phương án bán nhà trả nợ.

Hay như trường hợp của vợ chồng anh Lê Minh Quân (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP Hà Nội), với khoản vay 900 triệu đồng, tương đương 50% giá trị căn hộ.

Anh Quân kể lại, tháng 8.2021, vợ anh chồng anh chuẩn bị đón cháu trai đầu lòng. Lúc đó, cả hai muốn mua một căn nhà để khi sinh con tiện cho việc đón ông bà ở quê lên hỗ trợ.

Khi mua nhà, thời gian đầu được ngân hàng hỗ trợ lãi suất nên không có nhiều áp lực. Tuy nhiên, khi hết ưu đãi, thêm vào đó vật giá leo thang, gánh nặng nuôi con nhỏ… mỗi tháng phải trả gần 16 triệu đồng ngân hàng cả lãi lẫn gốc khiến anh Quân gần như kiệt sức.

“Sự biến động này đối người làm công ăn lương là một áp lực rất lớn, gây ra những thay đổi trong cuộc sống khi người mua nhà đột ngột mỗi tháng trả một số tiền rất lớn cho ngân hàng.

Nếu không có sự chuẩn bị tài chính hợp lý, người trẻ như chúng tôi rất dễ mất thăng bằng tài chính. Tôi đang tính đến việc bán lại nhà để quay về ở thuê, nhưng giờ để bán được giá tốt cũng rất khó”, anh Quân tâm sự.

Nhiều người khó khăn sau khi mua nhà với lãi suất thả nổi. Ảnh: Cao Nguyên.

Chia sẻ với báo chí, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam - cho biết, việc lãi suất điều hành giảm nhiều nhưng lãi suất cho vay còn neo cao làm người mua nhà có nhu cầu ở thật cũng chùng tay, lo bẫy lãi suất thả nổi. Đây cũng là lý do khiến thanh khoản của thị trường chưa phục hồi sớm trở lại.

Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Để kích thích phục hồi, lãi suất cần giảm sâu hơn nữa.

“Khi tiếp cận các ngân hàng, nhóm ngân hàng quốc doanh có lãi suất thấp hơn, nhưng cũng chỉ thấp hơn trong giai đoạn đầu tiên, còn giai đoạn sau vẫn thả nổi. Đặc biệt, với các ngân hàng thương mại thì lãi suất cao luôn từ đầu.

Lãi suất cho vay trung bình hiện nay đối với doanh nghiệp bất động sản xây dựng có uy tín, có quan hệ sẽ khoảng 11%. Các cá nhân, tổ chức mà không có mối quan hệ thân thiết đang phải vay với lãi suất trên dưới 12%”, ông Điệp nói.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính - cho rằng, việc vay mượn để mua nhà cũng là động lực để trả nợ và chi tiêu tiết kiệm.

Tuy nhiên, người mua phải cân đối tài chính và mức lãi suất vay, nếu phải vay với số tiền quá lớn và mức lãi suất cao thì không nên. Đặc biệt, những cặp vợ chồng có khoản thu nhập thấp không nên gồng mình vay ngân hàng để mua nhà rồi chật vật trả nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn