MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần xem xét thay đổi các điều kiện trong việc phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Bảo Chương

Nới điều kiện để người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

Bảo Chương LDO | 07/08/2023 16:14

Đã đến lúc cần nới lỏng các quy định trong việc triển khai và bán nhà ở xã hội để hóa giải nghịch lý “vừa thừa, vừa thiếu”, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp làm ra sản phẩm nhưng không bán được, trong khi người dân mòn mỏi chờ mua nhà.

Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, về nhà ở xã hội, hiện đã hết gần nửa nhiệm kỳ, đến nay chỉ có 1 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng (260 căn hộ), 7 dự án đang triển khai (5.117 căn hộ).

Từ nay đến cuối năm 2025 (còn khoảng 2,5 năm), TP Hồ Chí Minh còn phải phát triển thêm 2,06 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (29.623 căn hộ). Trường hợp không quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú công nhân thì thành phố sẽ không có dự án đủ điều kiện để hấp thụ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng theo nghị quyết 33/NQ-CP về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Có thể thấy, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội tại thành phố gặp vướng mắc chủ yếu do thủ tục đầu tư còn phức tạp và điều kiện cho người mua được tiếp cận. Theo đó, ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ… như các dự án nhà ở thương mại, thì các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm nhiều thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài khiến tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Ninh - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng Kiến Ninh, một doanh nghiệp đang tham gia trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội ở khu vực TP Hồ Chí Minh, phải mất nhiều năm mà vẫn chưa thể hoàn thành xong thủ tục để khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, việc bố trí các quỹ đất để dùng phát triển cho mục đích nhà ở xã hội lại không đạt được những điều kiện tối thiểu, nhiều quỹ đất được đưa ra lại nằm quá xa khu trung tâm, vừa thiếu dịch vụ, tiện tích sẽ khó thu hút người dân đến ở, doanh nghiệp tâm huyết cũng không dám làm vì làm ra sẽ rất khó bán được.

Ngoài ra, những quy định liên quan đến điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội cũng là một rào cản. Trong đó, điều kiện để trở thành “người thu nhập thấp” ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập này, rất khó để đảm bảo vừa trả tiền lãi vay mua nhà hàng tháng, vừa trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.

Muốn phát triển nhà ở xã hội trước hết phải giải quyết vốn vay cho người có nhu cầu. Thế nhưng khi xem xét từ hai nguồn vốn hiện nay đều cho thấy không dễ cho người có thu nhập thấp tiếp cận. Quỹ phát triển nhà ở TP đang cho vay lãi suất 4,7%/năm, thời hạn 20 năm, với mức tối đa 900 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vay này chỉ dành cho người hưởng lương từ ngân sách, các nhóm khác không thể tiếp cận.

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách cho người mua nhà ở xã hội vay tối đa 700 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm nhưng điều kiện vay khó. Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có đến 18.000 người nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội, song chỉ có 310 khách hàng thuộc diện này được vay mua, xây sửa nhà, với tổng số tiền 150 tỉ đồng. Do đó, Sở Xây dựng đề xuất thành phố cần tăng cường vốn, nhất là cho Quỹ phát triển nhà ở, từ đó xem xét mở rộng nhóm được vay ra người thu nhập thấp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn