MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày xuống nơi ở mới, ông Đinh Viết (ở thôn 3, xã An Dũng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) không biết làm gì vì chưa có đất sản xuất. Ảnh: N.T

Nông dân thấp thỏm chờ đất sản xuất ở khu tái định cư

NGUYỄN TRI LDO | 15/12/2020 08:36
Chấp nhận rời xa mảnh đất gắn bó bao đời để “nhường” đất cho dự án hồ chứa nước Đồng Mít, nhưng đến nơi ở mới, hàng trăm hộ dân đồng bào Hrê ở xã An Dũng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) lại chật vật vì không có đất sản xuất.

Ở không chờ đất

Tháng 7.2020, toàn bộ 480 hộ đồng bào Hrê thuộc xã An Dũng (huyện An Lão) nằm trong dự án hồ chứa nước Đồng Mít đã đồng thuận di dời đến khu tái định cư mới.

Tại khu tái định cư hồ Đồng Mít - nay là xã An Dũng mới - với 4 thôn, đồng bào Hrê vừa cất xong những ngôi nhà mới khang trang. Khu tái định cư mới tổng diện tích khoảng 80ha. Để người dân có cuộc sống tốt tại nơi ở mới, địa phương đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, các công trình công cộng. Tuy nhiên, điều khiến hàng trăm hộ dân băn khoăn là chưa có đất sản xuất và việc làm ổn định, khiến họ gặp khó khi gắn bó với nơi ở mới.

Dời về nơi ở mới khoảng tháng 6 vừa qua, bà Đinh Thị Kéa (thôn 3, xã An Dũng) vui mừng vì nhà cửa khang trang hơn, việc đi lại không còn vất vả như trước. Nhưng điều bà lo lắng nhất là không có đất sản xuất nên 2 vợ chồng chỉ ở nhà. Tại nơi ở cũ, bà Kéa có 5 sào ruộng. Nay về nơi ở mới chưa có ruộng sản xuất. Mặc dù được chính quyền cấp gạo ăn trong thời gian chờ được giao đất ruộng nhưng bà Kéa vẫn mong muốn sớm có đất để sản xuất.

Tại khu tái định cư hồ Đồng Mít, hầu hết thanh niên và người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa hoặc đi làm thuê tại các xã khác. Còn những người già thì chỉ biết ở nhà.

Cách đó không xa, ông Đinh Viết (60 tuổi, thôn 3, xã An Dũng) được Ban quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Định giao đất rừng sản xuất nhưng ông không nhận vì địa điểm xa khu vực nhà ở. “Từ ngày xuống đây, tôi không biết làm gì vì chưa có đất sản xuất. Ngoài ra, những người có sức khỏe thì sẽ đi làm keo, nhưng tôi già cả rồi làm cũng không nổi, nếu có ruộng thì làm ruộng nó đỡ hơn” - ông Viết nói thêm.

Sẽ sớm giúp người dân ổn định cuộc sống

Ngoài khu vực đất ở khoảng 80ha, tỉnh Bình Định cũng đã quy hoạch vùng trồng lúa nước trên 75ha và đất lâm nghiệp 700ha để hỗ trợ cho các hộ đã nhường đất xây hồ Đồng Mít.

Ông Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án NNPTNT tỉnh Bình Định - cho biết, phương án giao đất trồng lúa dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Còn phương án giao đất lâm nghiệp sản xuất cho người dân xã An Dũng bắt đầu từ tháng 10 và hoàn thành trong tháng 11.2020; tuy nhiên, do điều kiện thời tiết bất lợi nên dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

“Để đảm bảo điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho người dân, trong đợt 1, chúng tôi giao cho các hộ có diện tích bồi thường sau quy đổi trên 2.000m2. Đối với các hộ dưới 2.000m2 sẽ dồn thửa để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu” - ông Thạnh nói.

Đối với đất ruộng, hiện nay, Ban quản lý dự án NNPTNT tỉnh Bình Định đang thực hiện hạng mục công trình san tạo đồng ruộng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021, sau đó sẽ tiến hành giao đất cho người dân. Đặc biệt, trong thời gian chưa giao được đất ruộng để sản xuất, địa phương sẽ cấp gạo cho người dân trong vòng 3 năm.

Ông Phạm Văn Nam - Bí thư huyện ủy An Lão - cho hay, đến giờ này, việc di dời, tái định cư cho bà con cơ bản hoàn thành khi 477 hộ/480 hộ đã về nơi ở mới, làm nhà cửa khang trang, hệ thống chính quyền, các đoàn thể cũng đã về làm việc ở trụ sở mới. Ngoài ra, địa phương đang phối hợp với Ban quản lý dự án NNPTNT tỉnh Bình Định triển khai việc cải tạo ruộng lúa nước, cũng như tiến hành giao đất lâm nghiệp để bà con sản xuất nương rẫy.

“Bà con tâm tư rằng đất lâm nghiệp khá xa nơi ở, cự ly cũng khoảng 5-6km, chúng tôi đã mở đường giao thông xuyên suốt, kể cả những tuyến đường xương cá vào diện tích đất của bà con” - ông Nam thông tin.

Về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ông Phạm Văn Nam cho biết thêm: “Huyện đã mở 3 lớp nghề đào tạo may công nghiệp với khoảng 80 lao động ở các xã An Dũng, An Trung, An Hưng. Chúng tôi có hướng thành lập từ 2 đến 3 dây chuyền may công nghiệp tại khu tái định cư để giải quyết vấn đề chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho bà con An Dũng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn