MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều diện tích rừng bần ở Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa bị xóa sổ để xây nhà trái phép. Ảnh: PV

Ồ ạt xóa sổ rừng ngập mặn, xây dựng trái phép

Phước Tín LDO | 09/03/2020 08:14
Vì lợi nhuận kinh tế, “sốt” đất, thêm sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại... khiến hàng chục hécta rừng ngập mặn ở Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) gần như biến mất bởi nạn lấn chiếm, xây dựng trái phép.

“Chiếc bánh bị rỉa dần”

Rừng bần Tuần Lễ nức tiếng là rừng bần cổ duy nhất tại Việt Nam, được các nhà khoa học xác định là tài nguyên quốc gia quý giá. Ngoài giá trị về sinh học, lịch sử và cảnh quan, rừng bần nơi đây còn góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, ngăn mặn xâm thực, giữ nước ngọt, đặc biệt “lá chắn” sóng và gió bão, bảo vệ làng mạc…

Chính vì những ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tháng 8.2002, UBND huyện Vạn Ninh ban hành phương án quản lý, bảo vệ, khôi phục 20ha rừng ngập mặn Tuần Lễ. Phương án này “ra đời” trong bối cảnh rừng ngập mặn ở đây bị tàn phá nghiêm trọng để làm đìa nuôi tôm, làm đường ngang để đi đến các đìa, làm chia cắt và ngăn cách nước thủy triều ra vào, phá hủy điều kiện sống của cây đước, cây bần. Bên cạnh đó, việc đào bới vỏ sò, san hô, lấn chiếm đất làm nhà trái phép, phá hủy bộ rễ chùm của cây, dẫn đến rừng ngập mặn ở đây ngày càng bị thu hẹp, số cây bần cổ thụ ngày càng ít đi.

Những tưởng phương án trên sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những tác nhân tiêu cực, thế nhưng từ đó đến nay, rừng ngập mặn Tuần Lễ như “chiếc bánh bị rỉa dần”.

Ông Ngô Minh Thơ - người dân sống lâu năm tại đây - bức xúc, không chỉ người ta chiếm đất, phá rừng bần mà tình trạng xây dựng trái phép còn diễn ra nhiều năm nay. “Thật xót xa khi chứng kiến một khu rừng bần rộng lớn trước đây giờ đã bị tàn phá hết. Đất đai thì bị phân lô, xây nhà trái phép nhưng không thấy chính quyền kiên quyết ngăn chặn” - ông Thơ bất bình.

Và theo kiểm đếm của ông, ở đây có khoảng 150 công trình nhà cửa “mọc” lên. Nhất là vào năm 2018, hòng “đón đầu” đặc khu Bắc Vân Phong dự kiến hình thành, nhiều cá nhân đua nhau san nền, phân lô. Giờ đây, Tuần Lễ hình thành khoảng 100 nền đất, giá từ 400-500 triệu đồng/nền (tùy vào diện tích).

Còn nhiều vấn đề

Thực hiện phương án bảo vệ ban hành vào năm 2002, khoảng 20ha rừng bần tại Tuần Lễ đã được quy hoạch, phân vùng. Ngoài ra, gần 500 cây bần cổ thụ đã được đánh số, treo biển để theo dõi, quản lý đồng thời được khoanh nuôi, trồng dặm bổ sung. Rừng được giao khoán cho các hộ dân trong thôn quản lý, mỗi hộ 0,5ha.

Về phía chính quyền, UBND xã Vạn Thọ thành lập 6 tổ bảo vệ rừng với hơn 30 người. Người dân nhận khoán được trả tiền giao khoán rừng, các tổ bảo vệ cũng được cấp kinh phí hàng năm để hoạt động. Vậy nhưng, rừng ngập mặn vẫn “chảy máu”. Một lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh nói rằng: “Việc quản lý rừng bần ở Tuần Lễ là vấn đề phức tạp, cần nhiều thời gian mới trả lời hết”.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Khánh Hòa - cho biết: “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn xuống thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh để kiểm tra mức độ rừng bần bị tàn phá và đề nghị xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân quản lý nếu có vi phạm”. Ông Thy cho rằng, do mới nhận chức được 4 tháng nên “nhiều vấn đề còn chưa nắm hết”.

Theo Quyết định 3995 (ngày 26.12.2016) của UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vạn Ninh năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thì đến năm 2025, diện tích rừng trên địa bàn huyện dự kiến đạt 23.090ha. Trong đó, rừng phòng hộ có diện tích khoảng 16.545ha, rừng sản xuất có diện tích khoảng 6.545ha.

Đến năm 2030, diện tích rừng trên địa bàn huyện dự kiến đạt 28.137ha, trong đó: Rừng phòng hộ có diện tích khoảng 17.430ha, rừng sản xuất có diện tích khoảng 10.707ha. Tổng diện tích đất trồng, chăm sóc rừng phòng hộ khoảng 230ha; chăm sóc rừng trồng chuyển tiếp 134ha. Rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đồng Điền, sông Cạn, sông Hiền Lương; rừng phòng hộ ven biển tập trung ở bán đảo Tuần Lễ, xã Vạn Thọ.

Tổng diện tích trồng rừng ngập mặn 220ha, trong đó: Xã Vạn Hưng 100ha, xã Vạn Long 70ha, xã Vạn Phước 30ha và xã Vạn Thọ 20ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn