MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phân khúc đất nền đã không còn nóng sốt như ngày trước. Ảnh: Gia Miêu

Phân khúc đất nền bị nhà đầu tư bất động sản bỏ rơi

Bảo Chương LDO | 17/12/2023 20:17

TPHCM - Giá bán, nguồn cung và sức cầu của hai phân khúc từng “sốt nóng” một thời là đất nền và nhà phố hay biệt thự đều đang trượt dốc.

Với phân khúc đất nền, thị trường phía Nam chỉ ghi nhận một dự án mở bán trong tháng 11.2023, tương ứng 115 nền, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, toàn bộ nguồn cung mới tập trung tại thị xã Bến Cát (Bình Dương). Đó là dữ liệu báo cáo khá ảm đạm của phân khúc đất nền vốn một thời gây sốt ở khu vực TPHCM và các vùng lân cận do DKRA Group vừa công bố.

Sức cầu cũng không khả quan khi chỉ có 59 nền được tiêu thụ trong tháng, giảm đến 88% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng giá sơ cấp phân khúc đất nền hiện giảm trung bình 8 - 10% so với lần mở bán trước đó. Trong đó, giá bán nguồn cung mới dao động khoảng 12,9 - 15,5 triệu đồng/m2.

“Mặt khác, thị trường thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước. Mức giảm tập trung chủ yếu ở nhóm sản phẩm có giá trị cao và dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý… Nhìn chung, thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình”, các chuyên gia của DKRA Group nhìn nhận.

Ở phân khúc nhà phố và biệt thự còn ảm đạm hơn, đặc biệt là đối với sức cầu. Trong cả tháng 11.2023, các dự án mới tại khu vực phía Nam không phát sinh bất cứ giao dịch nào. Về phía nguồn cung, tình hình cũng không khả quan hơn. Thị trường chỉ ghi nhận một dự án mở bán, tương ứng 34 căn.

Đây chỉ là dữ liệu báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường đưa ra. Thực tế, thị trường có nhiều sản phẩm để giao dịch, từ sơ cấp đến thứ cấp. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy một bức tranh thị trường địa ốc tại TPHCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) trầm lắng hơn so với mọi năm.

Trái ngược với sự ảm đạm của hai phân khúc đất nền, nhà phố và biệt thự, phân khúc chung cư là gam màu sáng hiếm hoi tô điểm cho bức tranh địa ốc phía Nam. Sự sôi động này được thể hiện rõ thông qua con số báo cáo nghiên cứu thị trường của DKRA Group đưa ra là 681 căn hộ được tiêu thụ trong tháng 11.2023, cao gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nguồn cung mới cũng tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án mở bán, tương ứng 740 căn. Tỷ lệ tiêu thụ ở mức tương đối ấn tượng, lên tới 92%. Trong đó, nguồn cung mới tập trung tại TPHCM và đa phần thuộc phân khúc hạng B. Mức giá các sản phẩm được rao bán đợt này dao động khoảng 52,4 - 57,2 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, thị trường nhà ở sẽ chưa thể phục hồi mạnh mẽ trong năm tới do vừa trải qua một giai đoạn trầm lắng kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay.

Tại TPHCM, Savills cho rằng, với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, nơi có nguồn cầu nhà ở lớn, bất động sản TPHCM sẽ phục hồi trước, sau đó mới đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

Một số dự án tại TPHCM hiện nay cũng cung cấp gói thanh toán kéo dài 24 tháng với chỉ 20% giá trị hợp đồng mua bán ban đầu. Trong năm 2024, nguồn cung tương lai tại TPHCM sẽ có hơn 16.000 căn hộ và hơn 2.000 căn biệt thự/nhà phố. Các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai với quỹ đất lớn sẽ có hơn 6.000 căn biệt thự/nhà phố và hơn 9.000 căn hộ.

Ở khía cạnh phát triển dự án, nếu các chủ đầu tư có thể triển khai các dự án đúng tiến độ, có giá bán hợp lý và pháp lý minh bạch thì sẽ có thể thu hút người mua và giúp thanh khoản của thị trường phục hồi dần. Trách nhiệm tháo gỡ khó khăn về pháp lý từ Chính phủ cho các dự án bất động sản cũng đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ thị trường phục hồi, các chuyên gia của Savills nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn