MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà ở xã hội Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Phạm Đông

Phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, cần ưu đãi và tăng nhà cho thuê

Gia Huy LDO | 27/04/2024 12:34

Để phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH), theo các đại biểu và chuyên gia, việc gỡ “nút thắt” từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, cùng với các giải pháp hỗ trợ tài chính khác sẽ mang lại tín hiệu vui cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư và người dân khi được hỗ trợ về nguồn vốn vay thực sự ưu đãi.

Cần tăng tỉ trọng nhà cho thuê

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án NƠXH.

Tại Hà Nội, mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển NƠXH, song nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. “Cơn khát” NƠXH không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn tại nhiều đô thị lớn khác trong cả nước. Thị trường NƠXH đang có sự lệch pha cung - cầu. Nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung chỉ “nhỏ giọt”.

Hiện có 28 địa phương đã công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Còn các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng, giải ngân được 640 tỉ đồng cho 8 dự án.

Để thực hiện đề án, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, cần đa dạng hóa phương thức sử dụng. Chính phủ đã xác định các phương thức bán, cho thuê, thuê mua, song cần giao nhiệm vụ để UBND cấp tỉnh xác định rõ tỉ lệ tương ứng với từng dự án. Việc ưu đãi và tăng tỉ trọng nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết sự mất cân đối cung và cầu của thị trường mà còn giúp đẩy nhanh tiến trình thực hiện đề án.

Đối với các khu công nghiệp, vị chuyên gia cho rằng, cần đề nghị áp dụng chủ yếu phương thức cho thuê và cho phép doanh nghiệp là chủ thể trong việc tổ chức cho người lao động của mình thuê. Bởi với các chính sách, dù đã có nhiều ưu đãi, hiện nay không phải đối tượng nào cũng đủ nguồn kinh phí sở hữu nhà ở. Do đó, nhà cho thuê mới là giải pháp thực chất giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Để gia tăng tỉ lệ nhà cho thuê, rất cần các chính sách ưu đãi song hành, đặc biệt là chính sách giúp doanh nghiệp bảo đảm hài hòa về lợi ích.

Gỡ nút thắt nguồn vốn

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cơ chế vay vốn và lãi suất đang là một trong những trở lực lớn khiến việc phát triển NƠXH chưa đạt yêu cầu. Nhiều chủ đầu tư phản ánh mức lãi suất và thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi đang áp dụng từ chương trình 120.000 tỉ đồng chưa thực sự thu hút người vay.

Dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, nhưng với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 (8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5%/năm đối với người mua nhà), cùng thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân), gói tín dụng này vẫn chưa thực sự thu hút người vay.

Do vậy, nếu kéo dài thời gian vay thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu NƠXH. Để có được lãi suất thực sự phù hợp với người mua nhà, doanh nghiệp làm NƠXH, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, Chính phủ nên xem xét thành lập quỹ phát triển NƠXH, tạo nguồn vốn ưu đãi cho phát triển NƠXH.

Trên cơ sở nguồn ưu đãi này, lãi suất cho vay có thể thấp hơn mức cho vay thương mại bình thường trên thị trường. Ngoài ra, cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau và vốn ngân sách đóng vai trò đầu mối.

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê, đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở. Loại nhà này được đề nghị sử dụng nguồn vốn vay thật sự ưu đãi, dài hạn với lãi suất thấp.

Theo đại biểu, nếu doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư để cho thuê thì tiền thuê không đủ chi phí vận hành chứ không nói đến việc thu hồi vốn đầu tư. Vốn này phải là vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc thậm chí là vốn ngân sách Nhà nước. Như vậy mới giải quyết được một phần nhu cầu chỗ ở và đương nhiên chúng ta vẫn phải phát triển chương trình thứ 2 là đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng mua được nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn