MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở khu kinh tế: Cần thoát lối quản lý cũ

Cường Ngô LDO | 09/06/2020 11:46

Để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt, theo các chuyên gia cần phát triển kinh tế ban đêm, cần khoanh vùng các khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch. 

Bất động sản nghĩ dưỡng cũng cần "bình thường mới"

Nêu quan điểm tại buổi toạ đàm: "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu COVID-19" diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam có những khu vực “lột xác” về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, như Phú Quốc hay mới nhất là Vân Đồn. Kéo theo đó là sự sôi động của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở những khu vực này.

Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng mà ông Nam lưu ý để thị trường phát triển nhanh và bền vững. Đó là vấn đề hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế điều tiết cho thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đảm bảo đón đầu và xử lý tốt các xu hướng mới phát sinh trong thực tiễn.

PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng cần định nghĩa thế nào là "bình thường mới". Nếu không làm rõ được thì e rằng những lựa chọn chính sách trong tương lai sẽ dễ dãi, không thoát được lối quản lý cũ.

PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Realtimes 

Cách hồi phục và tạo nền kinh tế mới rất quan trọng. Việc cứu doanh nghiệp có năng lực, doanh nghiệp mạnh là rất quan trọng. Doanh nghiệp mạnh sẽ cứu được doanh nghiệp yếu. Hai lựa chọn ưu tiên của "bình thường mới" theo quan điểm của ông là khác với cách truyền thống.

"Dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây “sốc” cả cung lẫn cầu, làm ngưng trệ kinh tế thế giới hay đóng vai trò “kích phát”, cộng hưởng? Vấn đề đặt ra là đứt chuỗi thì nối lại, nhưng tôi nghĩ là không chỉ nối chuỗi mà còn cần thay chuỗi, có những chuỗi phải bỏ đi để tạo chuỗi mới, thay đổi dần dần trong kế hoạch 3 năm, 5 năm", ông Thiên nói.

Giảm thuế cho hộ kinh doanh ban đêm?

PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, khách du lịch, doanh thu du lịch tăng lên hàng năm nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng “vàng” về du lịch của nước ta. Theo đó, còn rất nhiều tiềm năng để Việt Nam tạo ra hệ sinh thái phong phú về các sản phẩm kinh tế ban đêm, có thể chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch, giúp tăng trưởng GDP, phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người dân.

"Nếu kết hợp phát triển kinh tế ban đêm ở những tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng đa chức năng sẽ thúc đẩy cả hai lĩnh vực cùng tăng trưởng", ông Thịnh nói.

Cũng nói về kinh tế ban đêm, TS kinh tế Cấn Văn Lực nói rằng, cần có cơ chế động lực cho những hộ kinh doanh ban đêm ở các khu kinh tế đặc biệt, như giảm giá điện, giảm thuế cho họ, điều này sẽ khuyến khích kinh tế phát triển. Đồng thời phải có những nhà quản lý kinh tế ban đêm chuyên nghiệp, đó là các CEO kinh doanh đêm.

TS Cấn Văn Lực. Ảnh: Realtimes 

"Làm thế nào để Vân Đồn trở thành mô hình kiểu mẫu về kinh tế ban đêm", đó là vấn đề mà luật sư Trương Thanh Đức đặt ra tại buổi toạ đàm.

Ông Đức cho rằng, hiện nay, chưa có các khung pháp lý cụ thể về phát triển kinh tế ban đêm. Các điều kiện hiện tại để phát triển kinh tế ban đêm còn đơn giản hơn cả phát triển khu công nghiệp. Do đó, theo quan điểm của ông, cần khoanh vùng các khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch. Ví dụ như khách sạn 5 sao, khu vực vui chơi giải trí nên cho mở 24/24 để doanh nghiệp có thể khai thác tốt nhất, không nên ngăn cấm hạn chế, ngăn sông cấm chợ, vì nhu cầu là có thực.

Đồng thời, cần điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp vì điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên tại các khu nghỉ dưỡng và khu dân cư là khác nhau, nên cần có sự phân biệt rõ ràng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn