MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn bộ phần đất của UBND xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) và khu trường học đều nằm trong diện tích giải tỏa nhưng chưa thực hiện được. Ảnh: Lan Nhi

Phát triển đô thị 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp: 6 năm án binh bất động

NHÓM PV LDO | 25/03/2021 09:23

Tạo động lực thúc đẩy và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài), cuối năm 2015, Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên sau 6 năm Hà Nội triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, diện mạo trục đô thị này vẫn dang dở với không ít dự án gần như “án binh bất động” sau suốt nhiều năm triển khai.

Ỳ ạch các dự án tỉ đô

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng huyện Đông Anh sẽ trở thành một trung tâm hành chính thương mại quốc tế, một thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Hàng loạt trục đường lớn, quan trọng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong các năm gần đây tạo thêm động lực để huyện Đông Anh thu hút nhiều dự án có quy mô lớn.

Đáng chú ý, trục đường Võ Nguyên Giáp (nối Nhật Tân - Nội Bài) trở thành địa chỉ vàng với các nhà đầu tư nhờ các cơ chế và chính sách đặc thù được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 61/2015. Trong số này, Dự án thành phố thông minh Đông Anh gây rất nhiều chú ý với với tổng số vốn đầu tư lên tới 4,2 tỉ USD trên diện tích đất 272ha thuộc địa bàn các xã Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ và Hải Bối của huyện Đông Anh. Dự án được khởi động từ năm 2017, tháng 10.2019 chính thức được khởi công với kỳ vọng sẽ trở thành kinh nghiệm quý cho nhiều tỉnh, thành khác trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh. Dự án mang tên Công viên Kim Quy khởi công từ 9.2016 với quy mô đầu tư lên tới 4.600 tỉ đồng trên diện tích hơn 100ha cũng hứa hẹn mang nhiều thay đổi về diện mạo đô thị huyện Đông Anh.

Điều đáng buồn là theo khảo sát của PV Báo Lao Động trong hai ngày 23-24.3, dù được triển khai nhiều năm, các dự án đến nay vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”. Trong số này, dự án Công viên Kim Quy trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc đến nay vẫn còn một số vướng mắc trong giải quyết hạ tầng. Theo một lãnh đạo xã Vĩnh Ngọc, hiện nay vẫn còn một hộ dân ở khu vực hồ Kim Quy không nhận tiền đền bù nên chính quyền địa phương buộc phải thực hiện biện pháp cưỡng chế. Ngoài ra vẫn còn hơn 40 ngôi mộ tại khu vực hồ Kim Quy chưa thể di dời và chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục vận động để cuối năm nay người thân có thể thực hiện chuyển đi. Dự án Công viên Kim Quy đến nay cơ bản vẫn chưa triển khai trên thực tế.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Tưởng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) - cho biết, đối với dự án thành phố thông minh Đông Anh, UBND xã vẫn đang tiến hành giải phóng mặt bằng một phần diện tích tiếp giáp với trục đường Võ Nguyên Giáp. Ông Tưởng cho hay, dù cơ bản hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng nhưng khó khăn nhất tại địa phương là việc giải phóng khu nghĩa trang nhân dân. Hiện vẫn còn hơn 1.000 ngôi mộ đến nay vẫn chưa được giải tỏa, dịch chuyển đi nơi khác. “Toàn bộ khu mộ này sẽ được chuyển đến khu công viên nghĩa trang theo đồ án quy hoạch của thành phố nhưng việc di chuyển nghĩa trang tại địa phương nói chung rất phức tạp” - ông Tưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tưởng, theo quy hoạch toàn bộ phần đất của trụ sở UBND xã Vĩnh Ngọc, trường tiểu học và trường Mầm non Vĩnh Ngọc đều nằm trong diện phải giải tỏa phục vụ dự án Thành phố thông minh Đông Anh. Chủ đầu tư khi triển khai dự án sẽ buộc phải xây dựng lại trụ sở UBND xã và khu trường trên diện tích mới, nhưng hiện tại vẫn chưa có động tĩnh gì, địa phương cũng chỉ mới kê khai kiểm đếm.

Hà Nội cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp

Để phát triển đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), Quyết định 61/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo 3 hình thức gồm (1) đấu giá quyền sử dụng đất, (2) đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc (3) chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên tình trạng dây dưa và khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đang khiến không ít doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án trên trục Nhật Tân - Nội Bài bày tỏ sự lo ngại.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình - cho biết, nếu chỉ định đầu tư cho doanh nghiệp như Quyết định 61 của Thủ tướng, doanh nghiệp sẽ ứng tiền cùng địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng và sẽ sớm có đất thi công dự án. “Khi đề xuất xây dựng Trung tâm thương mại, outlet và nhà ở Hòa Bình trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc theo phương thức chỉ định đầu tư, chúng tôi cam kết ứng tiền giải phóng mặt bằng 40ha làm dự án, 25ha làm hồ điều hòa và 15ha làm trường mầm mon, tiểu học cùng nhiều công trình công cộng khác và dự kiến sẽ có đất thi công sau 3 tháng triển khai” - Chủ tịch Cty TNHH Hòa Bình cho hay.

Song cũng theo ông Nguyễn Hữu Đường, doanh nghiệp thực sự rất bất ngờ khi nhận được Văn bản 6432 ngày 25.12.2020 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong đó thông báo nội dung Hà Nội quyết định đưa danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài vào danh mục kêu gọi chung, thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và không chỉ định nhà đầu tư. Nhắc lại phương thức chỉ định đầu tư là 1 trong 3 phương thức đầu tư được quy định trong Quyết định 61 của Thủ tướng vẫn còn hiệu lực, ông Nguyễn Hữu Đường cho rằng việc Hà Nội “tiền hậu bất nhất” và bất ngờ dừng chỉ định đầu tư còn không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và sòng phẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đáng chú ý khi dừng phương thức chỉ định đầu tư, Văn bản 6432 do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ông Vũ Duy Tuấn - đứng tên thông báo Hà Nội sẽ áp dụng 1 trong 2 phương thức là: (1) Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất; hoặc (2) tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo đúng quy định. Đại diện Cty TNHH Hòa Bình cho rằng, khu đất triển khai dự án có đến 61,8ha là đất nông nghiệp đã được cấp sổ đỏ cho người dân, nên muốn đấu thầu, đấu giá đều phải đền bù, giải phóng mặt bằng và Nhà nước đứng ra thực hiện. Để làm xong giải phóng mặt bằng sẽ mất ít nhất 3-5 năm nữa mới có quỹ đất để đấu giá, đấu thầu cho doanh nghiệp.

Người dân muốn ổn định sớm để yên tâm làm ăn

Nói về tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Xuân Tưởng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) - cho biết việc triển khai dự án chủ yếu phụ thuộc vào chủ đầu tư. Nhiều lần người dân cũng kiến nghị mong muốn dự án sớm triển khai, nhanh chóng đi vào hoạt động để người dân yên tâm làm ăn sinh sống. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị N (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) cho biết, nhu cầu mua bán đất trên địa bàn trước đây rất cao nhưng nhiều gia đình có diện thích đất nằm trong dự án hiện đều phải “nằm im”. Thậm chí, họ không dám xây nhà, dựng trại để chăn nuôi. Bởi lẽ nếu xây nhà và dựng trại đến khi chính quyền có quyết định thu hồi lại "mất tiền oan". P.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn