MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung nhà ở xã hội không được như kỳ vọng. Ảnh: Anh Dũng

Phát triển nhà ở xã hội cần thêm nhiều trợ lực

Bảo Chương LDO | 15/03/2024 16:52

Tính đến nay, chỉ có 1 trên tổng số 37 dự án nhà ở xã hộiTPHCM được hoàn thành đưa vào sử dụng so với kế hoạch là 37 dự án giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM đưa ra chỉ tiêu xây mới 35.000 căn nhà ở xã hội (bao gồm nhà ở, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên) tương đương 2,5 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê phấn đấu đạt tối thiểu 500.000 m2 sàn.

Theo đó, đã có 37 dự án được đưa vào kế hoạch triển khai trong giai đoạn nói trên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án được hoàn thành. Trong 36 dự án còn lại, có 6 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý, với quy mô khoảng 34.750 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, với tình hình pháp lý và những vấn đề khác liên quan như hiện nay, từ nay đến năm 2025, dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Số dự án còn lại khó có thể hoàn thiện được mà chỉ dừng lại ở bước hoàn chỉnh pháp lý.

Sở Xây dựng TPHCM đánh giá việc thu hút, triển khai các dự án nhà xã hội cũng như khai thác 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại gặp nhiều khó khăn và triển khai khá chậm.

Tình hình bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp tập trung triển khai nhà ở thương mại trước; không có chế tài khi chủ đầu tư chậm triển khai dự án; thủ tục còn khó khăn… là những nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội không thể hoàn thành như mong đợi

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch đưa ra thị trường hàng trăm ngàn căn nhà ở xã hội trong những năm tới trên quỹ đất hiện có hoặc mở rộng… Dù nhiều kế hoạch mới chỉ ở bước khởi đầu, nhưng giới phân tích nhìn nhận, động thái xoay trục này cho thấy, mỗi khi bế tắc, doanh nghiệp lại nghĩ đến nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.

Trước đây, giữa lúc thị trường bất động sản ở đáy của cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2011, phân khúc nhà giá rẻ có thanh khoản tốt đã hâm nóng thị trường nhờ gói vay hỗ trợ lãi suất của Chính phủ (gói 30.000 tỉ đồng). Vì thế, việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ ở giai đoạn này không chỉ cứu doanh nghiệp, mà còn có thể “rã đông” thị trường địa ốc.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền từ 3,5 tỉ đồng/căn trở xuống (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỉ đồng (mới giải ngân 646 tỉ đồng là quá thấp), bởi lẽ Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Công điện số 18/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư)” mà đối tượng “tiêu dùng bất động sản” chính là người mua nhà.

Để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng (mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030) cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn