MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Dương có quỹ đất rộng sẽ xây dựng thêm cụm, khu công nghiệp mới để di dời nhà máy từ phía Nam lên. Ảnh: Đình Trọng

Phát triển nhiều cụm, khu công nghiệp mới để di dời nhà máy ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG LDO | 06/03/2024 16:17

Ngày 6.3, UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, tỉnh tiếp tục họp bàn phương án và chính sách khi di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía Nam vào khu, cụm công nghiệp phía Bắc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng nhiều cụm, khu công nghiệp mới tạo mặt bằng để doanh nghiệp di dời xây dựng nhà máy.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong năm 2024, tỉnh sẽ xây dựng tiêu chí xác định các doanh nghiệp chuyển đổi công năng, di dời. Bên cạnh đó là xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời. Tỉnh cũng sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về tiêu chí xác định và chính sách hỗ trợ di dời, thực hiện thí điểm di dời các doanh nghiệp.

Đối với việc xây dựng các nhóm chính sách hỗ trợ di dời, đề xuất sẽ có các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong đó, đối với người lao động, sẽ được hỗ trợ trong thời gian ngừng sản xuất, chỉ trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động phải nghỉ việc do di dời. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề đối với công nhân tại địa điểm mới. Thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi người lao động. Ngoài ra, tỉnh còn tính đến chính sách đặc thù hỗ trợ về nhà ở xã hội đối với người lao động bị ảnh hưởng.

Cả nghìn doanh nghiệp nằm ngoài các khu công nghiệp ở phía nam Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Đối với doanh nghiệp di dời, được nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới. Đặc biệt, đề xuất chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng cho các doanh nghiệp như: chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh; chính sách cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới; chính sách hỗ trợ phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính...

Về mặt bằng để doanh nghiệp di dời vào xây dựng nhà máy, tỉnh định hướng bố trí 5% quỹ đất các KCN trong toàn tỉnh, KCN Cây Trường 2 và các KCN còn lại theo quy hoạch của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn 7 cụm công nghiệp hiện hữu, 12 cụm công nghiệp ở huyện Dầu Tiếng, 7 cụm công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên và 9 cụm công nghiệp ở huyện Phú Giáo.

Tỉnh sẽ bố trí đất sạch, quy hoạch các cụm công nghiệp theo ngành nghề để di dời nhà máy. Ảnh: Đình Trọng

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, việc di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phía Nam lên phía Bắc là định hướng lớn của tỉnh để xây dựng Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, đô thị thông minh. Đồng thời, nhằm tái thiết lại các đô thị của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị nghiên cứu xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng, thực hiện từng bước theo lộ trình và hỗ trợ là chính. Tập trung các nhóm giải pháp để hạn chế tối đa việc cưỡng chế di dời. Các sở ngành tham mưu sớm hoàn thiện chính sách di dời, xác định các khu vực di dời đến và xác định các tiêu chí di dời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn