MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá phòng trọ ở Hà Nội hiện nay vẫn không ngừng "nhảy nhót". Ảnh: Tuyết Lan.

Phòng trọ "ngáo giá", tân sinh viên tìm nơi ở nhờ, chờ qua tháng cao điểm

Tuyết Lan LDO | 14/09/2023 08:25

Giá phòng trọ Hà Nội "nhảy múa" theo giờ, khiến tân sinh viên và phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều tân sinh viên lựa chọn phương án ở nhờ nhà người quen để tránh tháng cao điểm.

Chật vật khắp nơi tìm chỗ ở nhờ

Thời điểm tân sinh viên nhập học từ cuối tháng 8 - 10 cũng là giai đoạn cao điểm của thị trường phòng trọ. Nhiều sinh viên chật vật tìm phòng trọ sớm từ đầu tháng 8 nhưng vẫn chưa tìm được "bến đỗ" hợp lý. Nguyên nhân do giá phòng trọ tăng cao, các phòng có giá cả hợp lý đã bị chốt cọc từ sớm.

Cùng anh trai tìm trọ khắp các ngõ ở Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng em Quyền Thị Hồng Duyên - sinh viên năm nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội vẫn chưa tìm được phòng trọ ưng ý theo tiêu chí giá rẻ, cách trường tối đa 5km.

"Từ khi biết mình đỗ Đại học Bách Khoa Hà Nội, em đã nhờ anh trai liên hệ tìm phòng trọ trên các trang mạng xã hội ở các khu vực quanh trường. Lúc xem trên mạng thấy nhiều phòng ưng ý nhưng khi đến xem thực tế thì không hề giống ảnh. Trên ảnh lung linh bao nhiêu thì thực tế cũ, xập xệ bấy nhiêu và không tương xứng với giá tiền.

Đồng thời, giá phòng trọ quanh khu vực quận Thanh Xuân cũng đang neo ở mức giá cao từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Không chỉ vậy, các khu trọ còn "đẻ ra" hàng loạt phí dịch vụ làm giá phòng tăng lên đáng kể. Em đã đi xem tới 10 phòng trọ nhưng vẫn chưa tìm thấy căn ưng ý vì giá đắt đỏ" - Duyên chia sẻ với PV Báo Lao Động.

Duyên cho biết sẽ tìm phòng trong tuần tiếp theo. Nếu không tìm thấy phòng trọ ưng ý, giá hợp lý Duyên dự định sẽ liên hệ với gia đình chị họ xin ở nhờ qua tháng 9 cao điểm.

"Chờ khi giá phòng trọ ổn định, có nhiều nguồn cung vào giữa tháng 10 em sẽ tiếp tục công cuộc tìm trọ" - Duyên chia sẻ.

Ngoài những sinh viên may mắn có sẵn nhà hay được ở nhờ nhà người quen hoặc có tiêu chuẩn ở ký túc xá thì vẫn còn rất nhiều sinh viên ngoại tỉnh khác đang phải lo lắng, chật vật đi tìm phòng trọ.

Không chỉ Duyên mà nhiều tân sinh viên khác cũng lựa chọn phương án ở nhờ chờ giá phòng trọ giảm. Trao đổi với PV Báo Lao Động, em Trần Văn Hào (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết ngay từ ngày đầu lên nhập học, bố mẹ đã xác định cho em ở nhờ nhà chú họ.

"Em xác định ở nhờ nhà chú họ tránh thời điểm đồng loạt sinh viên đổ xô đi tìm trọ. Tuy nhiên, trong thời gian tới em sẽ đi xem phòng vì ở nhà người quen khá bất tiện" - Hào cho hay.

Chấp nhận ở ghép

Không phải ai cũng có người thân ở Hà Nội, nhiều sinh viên chấp nhận ở ghép 1 - 2 tháng và tiếp tục tìm phòng. Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Xuân Toàn - quản lý nhà trọ tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, nhiều sinh viên hiện nay chấp nhận ở với người lạ để giảm tối đa tiền phòng.

"Căn nhà trọ của tôi hiện nay có tới 4/8 phòng đang ở ghép. Thông thường tân sinh viên thường ghép từ 3 - 4 người/phòng để chia tiền nhà. Giá phòng tại nhà trọ của tôi dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, trung bình ở 3 người chỉ mất hơn 1 triệu đồng/tháng. Ở ghép cũng được coi là sự lựa chọn tốt trong ngắn hạn. Trong quá trình ở hợp tính cách của nhau có thể tính chuyện ở lâu dài" - anh Toàn cho biết.

Em Nguyễn Kim Anh - sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương hiện đang ở ghép với 2 người lạ ở phòng trọ tại quận Cầu Giấy. Kim Anh cho biết ở ghép tuy tiện lợi và nhanh chóng tìm được phòng nhưng cũng có nhiều bất tiện.

"Ở cùng người lạ chưa biết tính cách của nhau nên phải giữ ý và cẩn thận lời ăn tiếng nói hàng ngày. Không chỉ vậy phải chú ý cất giữ tài sản cẩn thận vì chưa biết bạn cùng phòng là người xấu hay người tốt" - Kim Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn